Vai trò của chế độ ăn giảm đạm cho người suy thận mạn
Tình trạng suy giảm chức năng thận sẽ gây ra nhiều hậu quả nặng nề trên toàn cơ thể.
- Thận sẽ giảm hoặc không còn khả năng đào thải các chất cặn bã hoặc chất độc hại ra khỏi cơ thể, đặc biệt là ure gây tăng ure máu dẫn đến nhiễm độc ure máu.
- Ứ nước trong cơ thể (phù) và gây rối loạn các chất điện giải: tăng kali và natri gây ảnh hưởng trên tim mạch, tăng phosphate dẫn đến mất canxi gây, gây loãng xương.
- Suy dinh dưỡng, dễ nhiễm trùng, thiếu máu, tăng huyết áp…
Do người bệnh thận mạn bị giảm khả năng đào thải ure, natri, kali, phosphate, và nước… gây ứ đọng lại các chất này trong máu, chế độ ăn không nên chứa nhiều thành phần các chất này. Vì vậy, bệnh nhân mắc bệnh thận mạn không thể có chế độ ăn đạm (protein) nhiều như người khỏe mạnh được, mà phải ăn giảm đạm để hạn chế nhiễm độc ure máu.
Vì sao ăn nhiều đạm (protein) gây tăng ure máu?
Thành phần của chất đạm (protein) bao gồm 20 loại acid amin. Bởi vì acid amin chứa nitơ, và được chuyển hóa trong cơ thể tạo thành ure, bệnh nhân bệnh thận mạn nếu vẫn ăn chế độ đạm bình thường thì sẽ bị ứ đọng ure máu do thận không thải ra được, gây nhiễm độc ure máu. Vì vậy cần hạn chế nitơ bằng cách ăn giảm đạm để hạn chế đưa acid amin vào cơ thể. Chế độ ăn giảm đạm sẽ hạn chế tăng ure máu cho người suy thận mạn.
Các thực phẩm chứa nhiều đạm cần hạn chế
Thịt động vật (thịt bò, thịt heo nạc), thịt gia cầm (gà, vịt), thủy sản (cá, tôm, cua) và sản phẩm từ sữa, trứng.
Các loại hạt và đậu như hạt điều, hạt hạnh nhân, hạt kê, hạt dẻ, đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, đậu nành, hạt sen, bắp (ngô).
Các loại rau như rau muống, rau ngót, rau dền, rau mồng tơi.
Các loại thực phẩm khác như nấm, dừa, bia, mì trứng, nui trứng, bánh mì, cơm (gạo).
Ketoanalogue (keto acid) là gì?
Ăn giảm đạm giúp không bị tăng ure máu nhưng có thể làm cơ thể bị thiếu đạm gây suy dinh dưỡng. Các nhà khoa học đã phát minh ra cách giúp bệnh nhân không bị thiếu đạm dù phải ăn giảm đạm bằng cách “tiêu hủy” nitơ trong acid amin và thay bằng gốc keto. Chất mới thay thế acid amin được tạo ra chính là keto acid hay ketoanalogue. Chất này khi vào cơ thể sẽ “gắp” đi ure trong máu để tạo ngược lại acid amin giúp cơ thể bệnh nhân có đủ đạm dù phải ăn giảm đạm. Việc keto acid “gắp” đi ure trong máu sẽ giúp giảm ure máu và giảm tình trạng nhiễm độc ure máu. Như vậy, keto acid chính là tiền chất không chứa nitơ của acid amin.
Chế độ ăn keto
Chế độ ăn keto chính là chế độ ăn giảm đạm kết hợp với keto acid (ketoanalogue).
Đó là lý do bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thận mạn ăn giảm đạm và uống viên keto acid. Tùy tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định chế độ ăn giảm đạm từ 0.3 – 0.6g protein/kg/ngày, đồng thời bổ sung đủ năng lượng từ 30 – 35 kcal/kg/ngày để tránh bị sụt cân.
Năng lượng sẽ được bổ sung từ nguồn tinh bột chứa ít đạm như khoai mì, bột năng, khoai lang, miến dong, bột sắn dây, khoai sọ… hoặc đường, mật ong, dầu ăn. Không nên ăn nhiều cơm vì cơm chứa nhiều đạm. 1 chén cơm chứa đến 7g đạm, trong khi 1 chén chè bột sắn dây chỉ chứa 0.2g đạm, 1 đĩa miến dong xào chứa 0.2g đạm, 2 củ khoai lang cỡ trung chứa 1.6g đạm.
Vai trò của chế độ ăn keto cho người bệnh suy thận mạn:
- Giúp bệnh nhân không bị suy dinh dưỡng dù phải ăn giảm đạm
- Cải thiện các biến chứng chuyển hóa
- Giảm ure máu
- Giảm đạm niệu
- Giảm phosphate máu
Hướng dẫn về natri, kali, phosphate
Chế độ ăn của bệnh nhân suy thận nên nghiêm ngặt như thế nào tùy thuộc vào giai đoạn bệnh thận. Khi suy thận ở giai đoạn đầu (giai đoạn 1 và 2), bệnh nhân có ít giới hạn hơn về những gì mình có thể ăn. Khi suy thận trở nên nặng hơn (giai đoạn 3, 4 và 5), bác sĩ có thể khuyên bệnh nhân nên hạn chế một số loại thực phẩm giàu natri, kali, phosphate, và lượng chất lỏng (nước uống, canh, soup) tiêu thụ hằng ngày.
Thực phẩm giàu natri
- Gia vị nêm, chấm như muối, nước tương, nước mắm, bột ngọt, bột nêm…
- Thức ăn đóng hộp hoặc đông lạnh
- Thịt chế biến sẵn như xúc xích, ba rọi xông khói, thịt muối
- Thức ăn nhanh có nhiều muối như khoai tây chiên, snack
- Các loại dưa muối, thực phẩm ngâm dấm, thực phẩm muối
Thực phẩm giàu kali
- Hầu hết các loại trái cây như chuối, mít, sầu riêng, lựu, kiwi, dừa, cam, chanh, nho, bưởi, dâu, khoai tây, cà chua, trái bơ
- Trái cây khô như nhãn khô, vải khô…, các loại hạt khô như chocolate, cacao, cà phê, đậu phộng, hạt điều, hạt dẻ
- Các loại rau lá có màu xanh đậm như rau dền, rau muống, rau đay, rau mồng tơi, rau ngót
- Bắp cải, củ cải trắng, hoa chuối, măng tre, nấm rơm, đậu cove, su hào
- Một số loại nước ép trái cây
- Các chất thay thể muối ăn
Thực phẩm chứa ít kali
- Táo, nham lê, nho, thơm (dứa), dâu
- Bông cải súp lơ, hành tây, rau xà lách
- Thịt bò, thịt gà
- Cơm trắng
Thực phẩm giàu phosphate
- Sữa, phô mai, yogurt
- Các loại hạt, cacao, chocolate, hạt đậu khô, cua, sò, lòng đỏ trứng, thịt rừng, nội tạng động vật
- Các loại trái cây khô, thức ăn khô như tôm khô, thịt bò khô. Thực phẩm đóng hộp.
- Bơ đậu phộng
- Nước giải khát như coca, bia
- Bánh mì hoặc ngũ cốc nguyên cám
- Các loại thức ăn chế biến sẵn hoặc thức ăn nhanh có chứa chất phụ gia làm mềm thịt.
Bệnh nhân suy thận cần tuân thủ chế độ ăn keto theo sự hướng dẫn và theo dõi của bác sĩ. Chia nhỏ lượng đạm hằng ngày ra thành 4 – 5 bữa ăn. Phần lớn các loại thức ăn không bắt buộc phải cấm tuyệt đối nhưng chỉ nên dùng với số lượng vừa phải và cân bằng các thành phần.
Vitamin và khoáng chất
Bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng sẽ giúp bệnh nhân tìm loại vitamin phù hợp để bệnh nhân có đủ lượng vitamin và khoáng chất cần thiết. Chuyên gia dinh dưỡng có thể đề nghị bệnh nhân dùng:
- Thuốc bổ sung đặc biệt dành cho những người bị bệnh thận
- Một loại vitamin D đặc biệt, acid folic hoặc viên sắt, giúp ngăn ngừa một số tác dụng phụ thường gặp của bệnh thận, chẳng hạn như bệnh xương và thiếu máu
Vitamin tổng hợp thông thường có thể không tốt cho bệnh nhân suy thận vì trong đó có quá nhiều một số loại vitamin và không đủ những loại khác.
Bệnh nhân nên cho bác sĩ của mình biết về bất kỳ loại vitamin, chất bổ sung hoặc thuốc không kê đơn nào mà mình đang dùng. Một số có thể gây hại hơn cho thận hoặc các vấn đề sức khỏe khác.
Phòng khám Nội Thận
Phòng khám Nội thận tại Bệnh viện Đức Khang quy tụ đội ngũ bác sĩ chuyên gia đầu ngành về, Nội tổng quát và Nội thận. Các bác sĩ không chỉ giỏi chuyên môn mà còn tận tâm với người bệnh, dành nhiều thời gian tư vấn, giải thích rõ ràng về bệnh tình cho người bệnh hiểu.
Bệnh viện Đức Khang nổi bật với các dịch vụ thăm khám, tầm soát, và điều trị tất cả các bệnh lý về Nội thận như suy thận cấp, suy thận mạn, chạy thận cho bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, lupus ban đỏ, viêm cầu thận, hội chứng thận hư, nhiễm trùng thận, theo dõi sau ghép thận, và tầm soát chức năng thận.
BS CKII Phạm Thị Chải là cây đại thụ trong chuyên khoa Nội thận, đồng thời là người tiên phong triển khai phương pháp lọc màng bụng (thẩm phân phúc mạc) tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP. HCM. Cùng với BS CKII Nguyễn Thị Thu Hà cũng là bác sĩ chuyên khoa Nội thận có nhiều năm kinh nghiệm trong khám và điều trị tất cả các bệnh lý về thận và lọc màng bụng tại bệnh viện Chợ Rẫy.
Đội ngũ bác sĩ
BS CKII Trịnh Thanh Mai
BS CKII Phạm Thị Chải
BS CKII Nguyễn Thị Thu Hà
Đặt hẹn với Phòng khám Nội Thận
Điền thông tin vào phiếu đặt hẹn TẠI ĐÂY
Gọi vào Hotline Bệnh Viện 0903.056.132
Trực tiếp đến đăng ký khám tại Bệnh viện Đức Khang
500 Ngô Gia Tự, P9, Q5, TP. HCM (cổng số 1)
129A Nguyễn Chí Thanh, P9, Q5, TP. HCM (cổng số 2)
Nguồn tham khảo
- Nghiên cứu “Hạn chế sự suy giảm chức năng thận bằng chế độ ăn giảm đạm có bổ sung ketosteril ở bệnh nhân suy thận mạn chưa lọc máu”. BS Đinh Thị Kim Dung. Tạp chí Y học thực hành, số 6, 610 – 611, trang 53.
- Bảng thành phần thực phẩm Việt Nam. Bộ Y tế. Viện Dinh dưỡng. NXB Y học 2007.
- Nutrition and chronic kidney disease. The National Kidney Foundation. Available at: http://www.kidney.org/nutrition
- Kidney – friendly eating plan. American Kidney Fund. Available at: https://www.kidneyfund.org/living-kidney-disease/healthy-eating-activity/kidney-friendly-eating-plan