Tìm hiểu về bệnh lupus - Bệnh viện Đức Khang

Bệnh Lupus

Bệnh Lupus

Lupus là một căn bệnh xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các mô và cơ quan của chính người bệnh, gọi là bệnh tự miễn (autoimmune disease). Viêm do lupus có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể, bao gồm khớp, da, thận, tế bào máu, não, tim và phổi của bệnh nhân.

Khi nói về bệnh lupus, đa số mọi người nghĩ đến bệnh lupus ban đỏ hệ thống. Thật tế có đến 4 loại bệnh lupus:

  • Bệnh lupus ban đỏ hệ thống (Systemic lupus erythematosus): đây là dạng lupus phổ biến nhất.
  • Bệnh lupus ở da (Cutaneous lupus): một dạng lupus chỉ giới hạn ở da.
  • Bệnh lupus do thuốc (Drug-induced lupus): một bệnh giống lupus gây ra bởi một số loại thuốc dùng trong thời gian dài.
  • Bệnh lupus ở trẻ sơ sinh (Neonatal lupus): một tình trạng hiếm gặp ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh của những phụ nữ mắc bệnh lupus.

Triệu chứng của Lupus

Lupus có thể ảnh hưởng đến hầu hết mọi cơ quan trong cơ thể bạn. Các triệu chứng của bệnh lupus cũng khác nhau từ người này sang người khác. Ví dụ, một người bị bệnh lupus có thể bị sưng đầu gối và sốt. Một người khác có thể lúc nào cũng mệt mỏi hoặc có vấn đề về thận. Người khác có thể bị phát ban. Theo thời gian, các triệu chứng mới có thể phát triển, hoặc một số triệu chứng có thể xảy ra ít thường xuyên hơn.

Các triệu chứng bệnh cũng thường đến rồi đi, nghĩa là không phải lúc nào bệnh nhân cũng phải chịu đựng các triệu chứng do bệnh gây ra. Bệnh có thể bùng phát (triệu chứng xấu đi làm bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi) hoặc thuyên giảm (triệu chứng cải thiện và bệnh nhân cảm thấy khỏe hơn).

Các triệu chứng của lupus bao gồm:

  • Đau cơ và khớp: Bệnh nhân có thể bị đau và cứng khớp, có thể có hoặc không sưng. Điều này ảnh hưởng đến hầu hết những người bị lupus. Các khu vực thường bị đau và sưng cơ bao gồm cổ, đùi, vai và cánh tay trên.
  • Sốt cao hơn 38 độ C ảnh hưởng đến nhiều người mắc bệnh lupus. Sốt thường do viêm hoặc nhiễm trùng.
  • Phát ban: Bệnh nhân có thể bị phát ban trên bất kỳ bộ phận nào của cơ thể khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, chẳng hạn như mặt, cánh tay và bàn tay. Một dấu hiệu phổ biến của bệnh lupus là phát ban đỏ hình cánh bướm trên mũi và má.
  • Đau ngực: Lupus có thể gây viêm ở niêm mạc phổi, gây đau ngực khi hít thở sâu.
  • Rụng tóc: Đốm loang lổ hoặc hói là phổ biến. Rụng tóc cũng có thể do một số loại thuốc hoặc nhiễm trùng gây ra.
  • Nhạy cảm với ánh sáng: Hầu hết những người bị bệnh lupus đều nhạy cảm với ánh sáng (photosensitivity). Tiếp xúc với ánh sáng có thể gây phát ban, sốt, mệt mỏi hoặc đau khớp ở một số người bị bệnh lupus.
  • Vấn đề về thận: Một nửa số người mắc bệnh lupus gặp vấn đề về thận. Tình trạng này được gọi là viêm thận lupus. Các triệu chứng bao gồm tăng cân, sưng mắt cá chân, huyết áp cao và giảm chức năng thận.
  • Lở miệng: Còn được gọi là vết loét, thường xuất hiện trên vòm miệng, nhưng cũng có thể xuất hiện ở nướu, bên trong má và trên môi. Chúng có thể không đau, hoặc bạn có thể bị đau hoặc khô miệng.
  • Mệt mỏi kéo dài hoặc cực độ, ngay cả khi ngủ đủ giấc. Mệt mỏi cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lupus bùng phát.
  • Thiếu máu: Mệt mỏi có thể là dấu hiệu của bệnh thiếu máu, một tình trạng xảy ra khi cơ thể không có tế bào hồng cầu để vận chuyển oxy đi khắp cơ thể.
  • Vấn đề về trí nhớ: Một số người bị lupus cho biết họ có vấn đề hay quên hoặc lú lẫn.
  • Máu đông: Có nguy cơ đông máu cao hơn. Điều này có thể gây ra cục máu đông ở chân hoặc phổi, đột quỵ, đau tim hoặc sảy thai nhiều lần.
  • Bệnh về mắt: khô mắt, viêm mắt và phát ban mí mắt.

Nguyên nhân

Vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra bệnh lupus, nhưng bệnh lupus và các loại bệnh tự miễn khác thường do di truyền trong gia đình. Các chuyên gia cũng cho rằng bệnh cũng có thể gây ra bởi một số hormone (như estrogen) hoặc các tác nhân từ môi trường. Tác nhân môi trường là thứ bên ngoài cơ thể có thể gây ra triệu chứng của bệnh, hoặc làm cho bệnh trở nên tồi tệ hơn.

  • Ánh sáng mặt trời: Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có thể gây ra các tổn thương trên da lupus.
  • Nhiễm trùng: Bị nhiễm trùng có thể khởi phát bệnh lupus hoặc gây tái phát ở một số người.
  • Dùng một số loại thuốc: Lupus có thể được kích hoạt bởi một số loại thuốc huyết áp, thuốc chống co giật và thuốc kháng sinh. Những người bị bệnh do thuốc thường sẽ khỏi bệnh khi họ ngừng dùng thuốc. Hiếm khi các triệu chứng của lupus vẫn tồn tại ngay cả sau khi ngừng thuốc.

Đối tượng nguy cơ cao:

  • Phụ nữ từ 15 đến 44 tuổi.
  • Một số nhóm chủng tộc hoặc dân tộc, bao gồm người Mỹ gốc Phi, người Mỹ gốc Á, người Tây Ban Nha /Latino, người Mỹ bản địa hoặc người dân đảo Thái Bình Dương.
  • Có thành viên trong gia đình mắc bệnh lupus hoặc bệnh tự miễn khác.

Chẩn đoán

Chẩn đoán bệnh lupus cần sự kết hợp giữa xét nghiệm máu và nước tiểu, dấu hiệu và triệu chứng của bệnh, cũng như tiền sử bệnh của gia đình. Các xét nghiệm máu và nước tiểu có thể bao gồm:

  • Công thức máu: đo số lượng tế bào hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu cũng như lượng hemoglobin, một loại protein trong hồng cầu. Kết quả có thể cho thấy tình trạng thiếu máu, thường xảy ra ở bệnh lupus. Số lượng bạch cầu hoặc tiểu cầu thấp cũng có thể xảy ra.
  • Tốc độ lắng của hồng cầu: xác định tốc độ tế bào hồng cầu lắng xuống đáy ống nghiệm trong một giờ. Tốc độ nhanh hơn bình thường có thể là do bệnh lupus, nhiễm trùng, một tình trạng viêm khác hoặc ung thư.
  • Đánh giá chức năng thận và gan: Lupus có thể ảnh hưởng đến các cơ quan này.
  • Phân tích nước tiểu: kiểm tra mẫu nước tiểu của bệnh nhân có thể cho thấy mức protein hoặc tế bào hồng cầu trong nước tiểu tăng lên, điều này có thể xảy ra nếu bệnh lupus đã ảnh hưởng đến thận.
  • Xét nghiệm kháng thể kháng nhân (ANA test): xét nghiệm dương tính đối với sự hiện diện của các kháng thể này – do hệ thống miễn dịch của bệnh nhân tạo ra – cho thấy hệ thống miễn dịch đang được kích thích.

Nếu bác sĩ nghi ngờ rằng bệnh đang ảnh hưởng đến phổi hoặc tim của người bệnh, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện thêm chẩn đoán hình ảnh, như chụp X-quang phổi và siêu âm tim.

Biến chứng

Viêm do lupus có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể, bao gồm:

  • Thận: Bệnh có thể gây tổn thương thận nghiêm trọng. Suy thận là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người mắc bệnh lupus.
  • Não bộ và hệ thần kinh trung ương: Nếu não bị ảnh hưởng bởi bệnh lupus, bệnh nhân có thể bị đau đầu, chóng mặt, thay đổi hành vi, vấn đề về thị lực và thậm chí là đột quỵ hoặc co giật. Nhiều người mắc bệnh lupus gặp vấn đề về trí nhớ và có thể gặp khó khăn khi diễn đạt suy nghĩ.
  • Máu và mạch máu: Làm giảm số lượng tế bào hồng cầu khỏe mạnh dẫn đến thiếu máu, làm tăng nguy cơ chảy máu hoặc đông máu. Bệnh cũng có thể gây bệnh viêm mạch máu.
  • Phổi: Tăng khả năng viêm niêm mạc khoang ngực, khiến người bệnh thở đau đớn. Chảy máu vào phổi và viêm phổi cũng có thể xảy ra.
  • Tim: Gây viêm cơ tim, động mạch hoặc màng tim. Nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đau tim cũng tăng lên rất nhiều.
bien chung benh lupus

Mắc bệnh lupus cũng làm tăng nguy cơ: nhiễm trùng, ung thư, mô xương chết dẫn đến các vết gãy nhỏ trong xương, và các biến chứng khi mang thai. Phụ nữ mắc bệnh lupus có nguy cơ sẩy thai cao hơn, đồng  làm tăng nguy cơ cao huyết áp khi mang thai và sinh non. Để giảm nguy cơ mắc các biến chứng này, bác sĩ thường khuyên bệnh nhân nên trì hoãn việc mang thai cho đến khi bệnh được kiểm soát trong ít nhất sáu tháng.

Điều trị bệnh lupus

Lupus là một căn bệnh mãn tính không có thuốc chữa. Bác sĩ có thể quản lý triệu chứng của bệnh bằng thuốc điều trị, nhưng bệnh sẽ không thể biến mất hoàn toàn. Điều trị bằng thuốc có thể giúp cải thiện các triệu chứng, ngăn chặn các cơn bùng phát, và ngăn ngừa biến chứng do bệnh lupus gây ra. Phương pháp trị liệu sẽ phụ thuộc vào mức độ bệnh, triệu chứng và nhu cầu của bệnh nhân.

Mục tiêu của việc điều trị lupus là:

  • Điều trị các triệu chứng của bệnh lupus
  • Ngăn chặn các đợt bùng phát bệnh
  • Giảm tổn thương cho các cơ quan khác, ngăn ngừa biến chứng, đặc biệt là biến chứng về thận

Các loại thuốc thường được sử dụng để điều trị lupus bao gồm:

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Thuốc NSAID không kê đơn, chẳng hạn như ibuprofen và naproxen, giúp giảm đau và sưng ở khớp và cơ.
  • Thuốc trị sốt rét: Thuốc điều trị bệnh sốt rét cũng có thể được dùng để điều trị đau khớp, phát ban da, mệt mỏi và viêm phổi. Hai loại thuốc sốt rét phổ biến được sử dụng là hydroxychloroquine và chloroquine phosphate. Các nghiên cứu phát hiện ra rằng dùng thuốc chống sốt rét có thể ngăn chặn các đợt bùng phát của bệnh lupus và có thể giúp những người mắc bệnh lupus sống lâu hơn.
  • Thuốc corticoid: giúp giảm sưng, đau và đau. Ở liều lượng cao có thể làm dịu hệ thống miễn dịch.
  • Thuốc ức chế miễn dịch: được sử dụng trong các trường hợp nghiêm trọng, khi bệnh ảnh hưởng đến cơ quan khác và các phương pháp điều trị khác không hiệu quả. Những loại thuốc này có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng vì chúng làm giảm khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể.
  • Thuốc sinh học.

Câu hỏi thường gặp

curved-line

Lupus bùng phát thường có một số dấu hiệu cảnh báo. Bệnh nhân có thể ngăn ngừa đợt bùng phát hoặc làm cho chúng bớt nghiêm trọng hơn nếu phát hiện ra các dấu hiệu cảnh báo và nhanh chóng dùng thuốc điều trị triệu chứng bệnh lupus. Trước đợt bùng phát, các triệu chứng của người bệnh có thể trở nên tồi tệ hơn hoặc cũng có thể xuất hiện các triệu chứng mới, chẳng hạn như:

  • Cảm thấy mệt mỏi nhiều hơn
  • Bị đau
  • Phát ban
  • Sốt
  • Đau bụng
  • Nhức đầu dữ dội
  • Chóng mặt

Việc thực hiện các bước để ngăn chặn cơn phát bệnh có thể hữu ích:

  • Trao đổi nhiều với bác sĩ điều trị
  • Hạn chế thời gian tiếp xúc với ánh nắng mặt trời
  • Ăn uống nhiều hoa quả, rau củ và thực phẩm nguyên cám
  • Tránh bị căng thẳng quá mức. Nghỉ ngơi đầy đủ
  • Tập thể dục vừa phải khi có thể
  • Nhờ sự giúp đỡ của gia đình và bạn bè khi cần

Hầu hết phụ nữ mắc bệnh lupus có thể mang thai khỏe mạnh nếu bệnh được kiểm soát. Nếu đang dự định mang thai, hãy trao đổi với bác sĩ điều trị và bác sĩ sản khoa có kinh nghiệm trong bệnh lupus

Câu hỏi cho bác sĩ

Trước cuộc hẹn với bác sĩ, bệnh nhân nên chuẩn bị các nội dung sau:

  • Các triệu chứng của mình bắt đầu khi nào?
  • Có bất cứ điều gì dường như kích hoạt các triệu chứng của mình?
  • Cha mẹ hoặc anh chị em trong gia đinh có ai mắc bệnh rối loạn tự miễn không?
  • Có đang dùng thuốc và thực phẩm chức năng nào thường xuyên?

Một số câu hỏi để hỏi bác sĩ như:

  • Những nguyên nhân có thể gây ra các triệu chứng hoặc tình trạng của tôi là gì?
  • Những xét nghiệm nào giúp chẩn đoán bệnh lupus ban đỏ chính xác?
  • Có bất kỳ phương pháp thay đổi lối sống nào có thể giúp các triệu chứng của tôi được cải thiện không?
  • Dùng thuốc có thể điều trị bệnh lupus không?

Nếu đang cân nhắc việc mang thai, bệnh nhân hãy thảo luận thật kỹ với bác sĩ về vấn đề này. Một số loại thuốc không thể được sử dụng nếu bệnh nhân đang mang thai.

Phòng khám Nội Thận

Bệnh viện Đức Khang nổi bật với các dịch vụ thăm khám, tầm soát, và điều trị tất cả các bệnh lý về thận như suy thận cấp, suy thận mạn, chạy thận nhân tạolọc màng bụng cho bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, bệnh lupus, viêm cầu thận, hội chứng thận hư, nhiễm trùng thận, theo dõi sau ghép thận, tầm soát chức năng thận.

Phòng khám Nội thận tại Bệnh viện Đức Khang quy tụ đội ngũ bác sĩ chuyên gia đầu ngành về, Nội tổng quát và Nội thận. Các bác sĩ không chỉ giỏi chuyên môn mà còn tận tâm với người bệnh, dành nhiều thời gian tư vấn, giải thích rõ ràng về bệnh tình cho người bệnh hiểu.BS CKII Phạm Thị Chải là cây đại thụ trong chuyên khoa Nội thận tại TP. HCM, cùng với BS CKII Nguyễn Thị Thu Hà, các bác sĩ đều đã từng có nhiều năm kinh nghiệm khám và điều trị tất cả các bệnh lý về thận tại bệnh viện Chợ Rẫy.

1. BS. CKII Phạm Thị Chải
Nguyên Trưởng khoa Nội thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy, BS Chải hiện đang là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nội Thận học TP. HCM, và là một trong những người đặt nền móng đầu tiên cho kỹ thuật lọc màng bụng tại Việt Nam. BS Chải thường xuyên tham gia các buổi sinh hoạt khoa học kỹ thuật chuyên đề về bệnh thận trên toàn quốc với vai trò là báo cáo viên. Ngoài ra, BS còn tích cực tham gia đào tạo các thế hệ sau về các phương pháp điều trị suy thận, đặc biệt là phương pháp lọc màng bụng. Với kinh nghiệm hơn 30 năm cống hiến cho ngành Thận học, BS Chải luôn nhận được sự tin tưởng và yêu mến của bệnh nhân bằng sự chuyên nghiệp, tận tâm, và chu đáo của mình.

2. BS. CKII Nguyễn Thị Thu Hà
BS Thu Hà là chuyên gia với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Thận học – Lọc máu – Ghép thận. BS đã có nhiều năm kinh nghiệm khám, điều trị các bệnh lý về thận tại các bệnh viện lớn trong nước như Bệnh viện Chợ Rẫy. BS Thu Hà luôn vận dụng những phương pháp, công nghệ chẩn đoán và chữa trị tiên tiến nhất, giúp tối ưu hoá hành trình điều trị của từng bệnh nhân. BS luôn nhận được sự tin tưởng từ bệnh nhân trong quá trình thăm khám, được rất nhiều khách hàng yêu quý vì sự nhiệt tình, tận tâm và trách nhiệm.

Đội ngũ bác sĩ

BS CKII Phạm Thị Chải

BS CKII Phạm Thị Chải

Bác Sĩ Nội Thận
Khoa Khám Bệnh, Phòng khám nội thận
BS CKII Nguyễn Thị Thu Hà

BS CKII Nguyễn Thị Thu Hà

Bác Sĩ Nội Thận
Khoa Khám Bệnh, Phòng khám nội thận
Ths BS Nguyễn Nữ Bảo Chiêu

Ths BS Nguyễn Nữ Bảo Chiêu

Bác Sĩ Nội Thận
Khoa Khám Bệnh, Phòng khám nội thận
BS CKII Nguyễn Thị Dững

BS CKII Nguyễn Thị Dững

Bác Sĩ Khoa Nội - Đơn Vị Lọc Máu
Khoa Nội, Đơn Vị Lọc Máu
BS Nguyễn Văn Nhựt

BS Nguyễn Văn Nhựt

Bác Sĩ Khoa Nội - Đơn Vị Lọc Máu
Khoa Nội, Đơn Vị Lọc Máu
BS Trần Âu Quế Nhung

BS Trần Âu Quế Nhung

Bác Sĩ Khoa Nội - Đơn Vị Lọc Máu
Khoa Nội, Đơn Vị Lọc Máu

Đặt hẹn với Phòng khám Nội Thận

 Điền thông tin vào phiếu đặt hẹn TẠI ĐÂY

 Gọi vào Hotline Bệnh Viện 0903.056.132

 Trực tiếp đến khám tại Bệnh viện Đức Khang

500 Ngô Gia Tự, P9, Q5, TP. HCM (cổng số 1)

129A Nguyễn Chí Thanh, P9, Q5, TP. HCM (cổng số 2)

Nguồn tham khảo

  1. What is lupus. The Lupus Foundation of America. https://www.lupus.org/resources/what-is-lupus
  2. Lupus. Mayo Clinic. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/lupus/symptoms-causes/syc-20365789
Quay lại
Chia sẻ:

Bài Viết Liên Quan