Sau khi thực hiện phẫu thuật nối thông động – tĩnh mạch tự thân (phẫu thuật AVF) để tạo đường vào mạch máu, bệnh nhân cần biết cách chăm sóc cầu tay chạy thận (hay còn gọi là cầu tay AVF), bảo vệ cầu tay để có thể sử dụng được lâu dài cho quá trình chạy thận nhân tạo. Nếu cầu tay không hoạt động tốt, chất lượng điều trị lọc máu sẽ bị suy giảm, ảnh hưởng đến tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người bệnh suy thận.
Chăm sóc cầu tay chạy thận như thế nào?
Người bệnh cần kiểm tra hằng ngày xem cầu tay của mình có đang hoạt động tốt không:
Nhìn: Quan sát cầu tay để kiểm tra dấu hiệu của sự nhiễm trùng (sưng, nóng, đỏ, đau), chảy máu, bong tróc, phồng rộp.
Nghe: Áp tai lên cầu tay sẽ nghe thấy âm thanh của dòng máu đang chảy qua cầu tay, nghe tiếng thổi “roành, roành” hoặc “phù, phù”.
Cảm nhận: Đặt nhẹ ngón tay lên cầu tay sẽ cảm nhận được độ rung nhẹ như “làn sóng chuyển động”.
Nếu tiếng thổi hoặc mức độ rung ở cầu tay bị mất hoặc thay đổi, bệnh nhân phải báo ngay cho bác sĩ vì điều này có nghĩa là đường vào mạch máu đang hoạt động không tốt.
Nếu tiếng thổi hoặc mức độ rung ở cầu tay AVF bị mất hoặc thay đổi, bệnh nhân phải báo ngay cho bác sĩ vì điều này có nghĩa là đường vào mạch máu đang hoạt động không tốt.
Phòng chống nhiễm trùng ở cầu tay
- Vệ sinh cầu tay bằng các dung dịch sát khuẩn.
- Vệ sinh cầu tay và rửa tay bằng xà phòng trước khi vào ca chạy thận.
- Không được gãi ở cầu tay vì móng tay có thể gây trầy xước, nhiễm trùng.
- Trước khi cắm kim chạy thận, người bệnh sẽ được sát khuẩn bằng cồn tại vị trí cắm kim trên tay; không được sờ vào vị trí này sau khi đã sát khuẩn.
Bảo vệ cầu tay chạy thận
- Nằm ngủ không được gối đầu lên cầu tay vì dễ gây tắc cầu nối.
- Không xách đồ nặng.
- Không đo huyết áp ở cánh tay có cầu tay vì dễ gây hỏng mạch máu cầu nối.
- Không lấy máu, chích thuốc trên cánh có cầu tay, chỉ để dành cho chạy thận.
- Trong quá trình chạy thận: tay bên có cầu nối cần giữ yên, cố định không gập khuỷu tay, tránh tuột kim hoặc kim xuyên mạch tổn thương mạch máu, phù nề chỗ chích.
- Sau khi lọc máu: tại vị trí chỗ chích được đặt cục gòn cầm máu, quấn băng keo. Bệnh nhân cần sờ tay cảm nhận xem còn “làn sóng chuyển động” dưới tay không. Nếu không cảm nhận được cần nới lỏng băng keo ngay. Tháo bỏ cục gòn sau 2 tiếng kể từ lúc đặt cục gòn, cần nới lỏng băng keo. Thêm 2 tiếng nữa tháo bỏ cục gòn và băng keo.
Báo ngay cho bác sĩ nếu bệnh nhân có bất kỳ dấu hiệu sau
- Nhiễm khuẩn hoặc chảy máu tại cầu tay
- Huyết áp của người bệnh thường xuyên tăng hoặc giảm
- Người bệnh hay bị mệt, khó thở, đau ngực
- Tay có cầu nối AVF bị sưng phù, đau nhức, tê nhiều hoặc có dấu hiệu sưng, nóng, đỏ, đau. Tay bên cầu nối lạnh hơn tay bên kia
yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ của cầu tay
Bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền khác như: đái tháo đường, tăng mỡ máu, xơ vữa động mạch, bệnh hệ thống, viêm mạch.
Cơ địa có hệ mạch máu nhỏ, kém phát triển, nhiều nhánh, trương lực thành mạch yếu, lớp mỡ dưới da quá mỏng.
Tụt huyết áp: Dễ hình thành cục máu đông nguy cơ bị tắc cầu nối rất cao.
Tình trạng máu tăng đông, số lượng tiểu cầu trong máu cao: Dễ hình thành cục máu đông gây tắc cầu nối.
Sự cẩn thận của người bệnh trong việc chăm sóc, giữ gìn, và bảo vệ cầu tay.
Kỹ thuật cắm kim chạy thận. Kỹ thuật phẫu thuật tạo cầu nối thông động – tĩnh mạch.
Ở một số bệnh nhân sau khi phẫu thuật AVF, hệ mạch máu chưa nở, mạch còn nhỏ, kém phát triển, cầu nối còn yếu… bác sĩ sẽ hướng dẫn tập tay bên mổ cầu nối: tập bóp banh, bóp kìm lò so giúp cho mạch máu giãn nở. Bác sĩ có thể thực hiện một số xét nghiệm để kiểm tra đường vào mạch máu cho người bệnh: đo tốc độ máu, đo áp lực đường vào mạch máu, siêu âm đường vào mạch máu.
Đặt hẹn khám bệnh
Điền thông tin vào phiếu đặt hẹn TẠI ĐÂY
Gọi vào Hotline: 0903.056.132
Trực tiếp đến đăng ký tại Bệnh viện Đức Khang
500 Ngô Gia Tự, P9, Q5, TP. HCM (cổng số 1)
129A Nguyễn Chí Thanh, P9, Q5, TP. HCM (cổng số 2)