Các dạng thuốc Kali chlorid (KCl)
KCl có các dạng bào chế khác nhau như sau:
Kali clorid ở dạng thuốc viên (viên nang hay viên nén với hàm lượng 100mg, 500mg, 600mg, 1.500mg) được sử dụng qua đường miệng trong phòng ngừa hay điều trị hạ kali máu ở mức độ nhẹ hay trung bình.

Kali clorid ở dạng ống thuốc tiêm 10% dưới dạng 500mg/5ml hay 1g/10ml (đây là dung dịch ưu trương, đậm đặc) cần luôn được pha loãng với thể tích lớn NaCl 0,9% hoặc Glucose 5% rồi mới sử dụng qua đường tiêm truyền tĩnh mạch trong điều trị hạ kali máu ở mức độ nặng.

Kali clorid dạng dung dịch trong túi đã được pha loãng trước

Nguyên tắc sử dụng KCl đường tĩnh mạch
Khuyến cáo dành cho bác sĩ: Tuân thủ các nguyên tắc kê đơn
Ưu tiên dùng dạng uống cho bệnh nhân hạ kali máu mức độ nhẹ đến trung bình.
Ưu tiên kê đơn dạng túi đã được pha loãng trước.
Luôn ghi rõ trên đơn thuốc:
- Liều dùng: số g KCl cần truyền cho người lớn và số mmol/kg mỗi ngày đối với trẻ em: 1 g KCl = 13,4 mmol kali.
- Tổng thể tích dung môi (NaCl 0,9% hoặc glucose 5%).
- Truyền tĩnh mạch.
- Tốc độ truyền: truyền tĩnh mạch chậm không vượt quá 1 g KCl/giờ.
- Đặc biệt chú ý áp dụng khuyến cáo phù hợp cho các bệnh nhân cần hạn chế dịch, bệnh nhi và bệnh nhân trong hồi sức tích cực.
- Kiểm tra tổng lượng KCl và tương tác với các thuốc làm tăng kali máu.
Khuyến cáo dành cho điều dưỡng: Thuốc cần được pha loãng, truyền chậm
- Đọc kỹ thông tin trên nhãn thuốc.
- Không nên bị gián đoạn khi pha chế thuốc và nên kiểm tra lại chế phẩm nếu có thể.
- Luôn pha loãng dung dịch ưu trương (nồng độ tối đa 4 g/L KCl hay 53,6 mmol/L kali với người lớn) hoặc sử dụng một túi pha loãng trước.
Khuyến cáo dành cho dược sĩ:
- Ưu tiên việc cung cấp dung dịch được pha loãng trước.
- Hạn chế tối đa việc lưu trữ các dung dịch KCl ưu trương tại khoa lâm sàng và thiết kế kế hoạch cung ứng phù hợp khi khẩn cấp.
- Gắn nhãn cảnh báo ở nơi lưu trữ và đặt ở khu vực riêng với các dung dịch điện giải khác.
Các trường hợp sai sót khi sử dụng thuốc
- Các sai sót chủ yếu do tiêm trực tiếp KCl đậm đặc vào tĩnh mạch
- Sai đường dùng: KCl được chỉ định dùng đường uống, và tiêm nhầm đường tĩnh mạch
- Dùng nhầm thuốc: Lọ KCl thường nhầm với lọ chứa NaCl (nước muối), calcium gluconat, heparin (chống đông) hoặc furosemide (lợi tiểu) do bao gói thuốc tương tự nhau. Ví dụ: Một bệnh nhân được kê furosemid (Lasix) để lợi tiểu, trị phù nhưng điều dưỡng lấy nhầm ống KCl 10% và tiêm IV cho bệnh nhân.

Đã có trường hợp sai sót trong việc sử dụng Kali clorid ở một bệnh viện tại Việt Nam: bác sĩ kê ống tiêm KCl đậm đặc cho một bệnh nhi theo đường uống, trong khi dạng ống tiêm này phải pha loãng và tiêm tĩnh mạch. Điều dưỡng đã không để ý sự khác biệt trong sự thay đổi đường dùng này, dẫn đến sai sót.
Nguyên nhân sai sót trong trường hợp này có thể là do ở Việt Nam không có dạng bào chế thuốc Kali clorid dung dịch bào chế sẵn dùng để uống, còn bác sĩ khi kê toa lại không biết điều này.
biện pháp phòng sai sót do KCl
- Triển khai các chiến lược giảm biến cố liên quan dung dịch KCl đậm đặc tại bệnh viện.
- Kê đơn chi tiết về tổng liều, thể tích pha loãng, tốc độ truyền, đường dùng. Nên ghi chú về đường dùng nếu là dùng đường uống chứ không phải đường tiêm.
- Ưu tiên dùng dạng viên uống cho bệnh nhân hạ kali máu mức độ nhẹ đến trung bình.
- Ưu tiên kê đơn dạng túi đã được pha loãng trước. Dung dịch không chuẩn hoá nên được pha chế ở khoa dược khi có yêu cầu
- Đưa dung dịch KCl đậm đặc 10% hay 20% vào danh mục thuốc nguy cơ cao tại bệnh viện và cần có các biện pháp quản lý đặc biệt.
- Thêm nhãn phụ cảnh báo phát quang với ống KCl đậm đặc “THẬN TRỌNG. KCl đậm đặc. Nguy cơ tử vong nếu tiêm dung dịch chưa pha loãng. Pha loãng trước khi dùng”
- Chọn khu vực thiết kế riêng để dữ trữ chỉ KCl đậm đặc.
- Soạn các hướng dẫn chuẩn hoá về sử dụng và pha loãng KCl.
- Chọn mua ống tiêm KCl đậm đặc có bao gói khác biệt với các thuốc khác như: Hạn chế mua các thuốc có bao gói tương tự nhau. Đào tạo CBYT về danh mục các thuốc có nguy cơ dễ nhầm lẫn (tên tương tự nhau, bao gói tương tự nhau).
- Hạn chế tối đa việc lưu trữ các dung dịch KCl ưu trương tại khoa lâm sàng, ưu tiên lưu trữ và pha chế thuốc tập trung tại khoa dược và thiết kế kế hoạch cung ứng phù hợp khi khẩn cấp.
- Có dược sĩ lâm sàng phân tích đơn thuốc và giám sát nếu kê đơn không theo chuẩn
Nguồn tham khảo
- Phòng sai sót thuốc kali clorid. Nhịp cầu dược lâm sàng.https://www.nhipcauduoclamsang.com/
- Trung tâm DI & ADR Quốc gia
- Medication error prevention: potassium chlorid. IJ for Quality in Health Care 2001; 2001:13,2: 155.
- Matthew Grissinger. Potassium Chloride Injection Still Poses Threats to Patients. P T. 2011 May; 36(5): 241, 302.
- Dilip Kothari, Saroj Kothari,1 and Jitendra Agrawal. Potassium chloride: A high risk drug for medication error. Indian J Anaesth. 2012 Jan-Feb; 56(1): 90–91.