Viêm họng cấp tính, mãn tính và cách điều trị

Viêm họng cấp tính, mãn tính và cách điều trị

Viêm họng là gì và nguyên nhân do đâu?

Viêm họng là tình trạng hầu họng bị viêm, dẫn đến đau họng. Viêm họng được xem là một triệu chứng; nó không phải là bệnh lý mà là triệu chứng được gây ra bởi một tình trạng bệnh hay một chứng bệnh khác. Viêm họng thường do nhiễm virus và/hoặc vi khuẩn gây nên, chẳng hạn như bệnh cảm lạnh thông thường và bệnh cúm (cả hai bệnh này đều do virus gây bệnh), do nhiễm vi khuẩn Streptococcus (viêm họng liên cầu), hoặc cũng có thể do mắc bệnh bạch cầu đơn nhân (mononucleosis) – một loại bệnh do nhiễm virus.

Viêm họng do nấm gây ra thường xuất hiện ở những đối tượng bệnh nhân đang bị suy giảm miễn dịch, hoặc đang sử dụng steroid và kháng sinh trong thời gian dài. Bị dị ứng, chẳng hạn như sốt cỏ khô (hay fever) hay viêm mũi dị ứng, cũng có thể gây đau họng. Không khí trong nhà quá khô và thói quen thở bằng miệng, đặc biệt là vào mùa đông, có thể dẫn đến tình trạng đau họng tái phát, đặc biệt là vào buổi sáng sau khi thức dậy. Căng cơ liên quan đến giọng nói cũng gây ra cảm giác đau ở cổ họng. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) có thể dẫn đến đau họng mãn tính vì acid dạ dày trào ngược gây kích thích cổ họng.

Viêm họng có thể phân thành các loại sau:

  • Viêm họng cấp: là loại viêm họng phổ biến nhất, thường tự khỏi sau khoảng 10 ngày, chủ yếu chỉ cần điều trị triệu chứng (giảm đau, giảm sốt, nghỉ ngơi, uống nhiều nước lọc, không ăn uống đồ quá lạnh, không hút thuốc…).
  • Viêm họng mãn tính: tình trạng viêm kéo dài hơn nhiều tuần, thường do các nguyên nhân như viêm amidan lâu ngày, tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm, dị ứng (phấn hoa, lông thú, bụi bẩn…), trào ngược dạ dày.

Triệu chứng viêm họng

  • Đau họng
  • Khô, ngứa họng
  • Đau khi nuốt
  • Đau khi nói chuyện

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, một số triệu chứng khác cũng có thể gặp như: mệt mỏi, khó chịu, đau cơ, nhức đầu, sốt – đặc biệt là khi bị cúm hoặc bị các bệnh do nhiễm virus gây ra.

Chẩn đoán bệnh

Khám lâm sàng và nội soi họng để đánh giá, tìm ra nguyên nhân bệnh gây ra tình trạng viêm nhiễm ở họng.

Cách điều trị viêm họng

Việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân, bệnh lý đang gây ra triệu chứng. Viêm họng do virus sẽ tự khỏi bằng cách súc miệng nước muối, dùng thuốc giảm đau, và dùng thực phẩm lỏng để giúp giảm bớt triệu chứng; do vi khuẩn gây nên thì sẽ được điều trị bằng thuốc kháng sinh; do nấm thì dùng thuốc chống nấm. Cần có liệu pháp kháng sinh kịp thời đối với chứng viêm họng liên cầu khuẩn vì nếu không được điều trị, bệnh này có thể gây ra vấn đề về thận và sốt thấp khớp, dẫn  làm hỏng van tim. Người bệnh cần được khám và đánh giá bệnh tình tại cơ sở y tế uy tín để được hướng dẫn điều trị sớm.

Câu hỏi thường gặp

1. Cách trị đau họng tại nhà như thế nào?

Súc miệng bằng nước muối.

Uống nước/trà pha với mật ong: mật ong giúp cải thiện chứng đau họng do đặc tính kháng khuẩn tự nhiên của nó; mật ong được xem như một chất chữa lành vết thương,  giúp giảm đau, giảm viêm.

Uống nước chanh nóng: Chanh rất tốt trong chữa trị tình trạng viêm vì chanh có thể làm giảm bớt chất nhầy trong họng và giảm đau. Hơn nữa, chanh khi kết hợp với vitamin C có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch, cung cấp thêm sức mạnh để chống lại nhiễm trùng. Pha một thìa cà phê nước chanh vào một cốc nước ấm và uống sẽ giúp giảm đau nhanh chóng.

Uống trà thảo mộc: Trà đinh hương và trà xanh đều chứa đặc tính kháng khuẩn và chống viêm, đồng thời làm giảm đau. Trà mâm xôi, hoa cúc và bạc hà là những lựa chọn tuyệt vời để giảm đau và giảm viêm. Trà hoa cúc cũng có thể đóng vai trò như một chất bôi trơn tự nhiên, vì vậy nếu giọng nói của người bệnh bị khàn và khó nói, trà hoa cúc là lựa chọn tốt nhất. Ngoài ra, trà bạc hà có thể làm tê cổ họng, giúp giảm đau một cách tự nhiên.

Tạo độ ẩm không khí trong nhà nếu bị quá khô.

2. Bị viêm họng khi nào cần đi khám bác sĩ?

Viêm họng thường không nguy hiểm, có thể tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, người bệnh cần đi khám bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng ngay nếu có:

  • Triệu chứng của bệnh kéo dài hơn 10 ngày
  • Cảm nhận thấy có các hạch sưng lên ở cổ
  • Có mủ hoặc mảng trắng ở phía sau cổ họng
  • Có máu trong nước bọt hoặc đờm
  • Phát ban

Phòng khám tai mũi họng

Phòng khám tai mũi họng tại Bệnh viện Đức Khang cung cấp đầy đủ các trang thiết bị chẩn đoán bệnh chính xác, bác sĩ chuyên khoa tận tình tư vấn, lên kế hoạch điều trị bệnh toàn diện và cá nhân hóa liệu trình cho từng bệnh nhân đang mắc các bệnh lý về tai mũi họng (viêm xoang, viêm tai, đau họng, viêm amidan và các bệnh lý phức tạp khác).

Đặt hẹn với Phòng khám Tai mũi họng:

 Điền thông tin vào phiếu đặt hẹn TẠI ĐÂY

 Gọi vào Hotline Bệnh Viện 0903.056.132

 Trực tiếp đến đăng ký khám tại Bệnh viện Đức Khang

500 Ngô Gia Tự, P9, Q5, TP. HCM (cổng số 1)

129A Nguyễn Chí Thanh, P9, Q5, TP. HCM (cổng số 2)

Đội ngũ bác sĩ

Bs CKII Trịnh Thanh Mai

BS CKII Trịnh Thanh Mai

Trưởng Khoa Khám Bệnh
Khoa Khám Bệnh, Phòng khám nội tổng hợp, Phòng khám tim mạch
BS CKII Trần Thanh Bình

BS CKII Trần Thanh Bình

Bác sĩ Nội Tổng Hợp
Khoa Khám Bệnh, Phòng khám nội tiết, Phòng khám nội tổng hợp
BS CKI Mai Huỳnh Lạc

BS CKI Mai Huỳnh Lạc

Bác Sĩ Tai Mũi Họng
Khoa Khám Bệnh, Phòng khám tai mũi họng

Nguồn tham khảo

  1. Pharyngitis. Johns Hopkins Medicine. (n.d.). Retrieved February 20, 2022, from https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/pharyngitis
  2. Persistent sore throat (chronic pharyngitis): Treatment & symptoms. Cleveland Clinic. (n.d.). Retrieved February 20, 2022, from https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/22280-chronic-pharyngitis
  3. Pennmedicine.org. (n.d.). Retrieved February 20, 2022, from https://www.pennmedicine.org/updates/blogs/health-and-wellness/2018/february/sore-throat
Quay lại
Chia sẻ: