Viêm xoang là gì?
Viêm xoang, hay còn gọi là viêm mũi xoang, là tình trạng nhiễm trùng niêm mạc của các xoang gần mũi. Tác nhân gây nên tình trạng viêm có thể là vi khuẩn hoặc virus.
Xoang là các hốc, hoặc các túi chứa đầy không khí, gần đường mũi. Xoang tạo ra chất nhầy; chất lỏng này làm sạch vi khuẩn và các phần tử khác trong không khí mà chúng ta hít thở. Khi chất nhầy này bị tắc nghẽn, vi khuẩn có thể bắt đầu phát triển, dẫn đến nhiễm trùng xoang. Các loại virus và vi khuẩn phổ biến nhất gây viêm xoang cũng gây ra cảm cúm hoặc viêm phổi.
Có 4 loại viêm xoang:
- Viêm xoang cấp tính: các triệu chứng kéo dài dưới 4 tuần và thuyên giảm khi được chăm sóc đúng cách.
- Viêm xoang bán cấp tính: loại nhiễm trùng này không thuyên giảm khi điều trị lúc đầu. Các triệu chứng kéo dài từ 4 đến 8 tuần.
- Viêm xoang mạn tính: khi nhiễm trùng cấp tính lặp đi lặp lại hoặc được điều trị kém. Các triệu chứng này kéo dài 8 – 12 tuần hoặc lâu hơn.
- Viêm xoang tái phát: nếu người bệnh bị 3 đợt viêm cấp tính trở lên trong một năm, thì đó được gọi là tái phát.
Nguyên nhân gây viêm xoang
Viêm xoang có thể xảy ra sau khi bị cảm lạnh, làm các xoang bị tắc nghẽn và dẫn đến nhiễm trùng. Dị ứng cũng có thể khiến mô mũi sưng tấy, tiết nhiều dịch nhầy và gây viêm xoang. Một số nguyên nhân khác bao gồm:
- Bất thường trong cấu trúc của mũi
- Adenoids phình to
- Thường xuyên ặn và bơi lội
- Nhiễm trùng răng
- Chấn thương mũi
- Dị vật mắc kẹt trong mũi
- Hút thuốc lá
Triệu chứng viêm xoang
Triệu chứng ở trẻ nhỏ
Chảy nước mũi kéo dài hơn 7 đến 10 ngày. Dịch tiết ra thường có màu xanh đặc hoặc vàng, nhưng cũng có thể trong. Ho nhiều vào ban đêm, thỉnh thoảng ho vào ban ngày. Sưng quanh mắt
Triệu chứng ở người lớn và trẻ lớn
- Chảy nước mũi hoặc có các dấu hiệu cảm lạnh kéo dài hơn 1 tuần. Chảy nước mũi trong cổ họng; dịch nhày có thể chảy xuống họng hoặc chảy ra mũi trước. Chảy dịch mũi khiến người bệnh thường khó chịu ở cổ họng, thường xuyên phải khạc nhổ. Tùy vào mức độ bệnh, dịch mũi có thể có màu trắng đục, vàng, hay xanh.
- Đau nhức. Tùy vào vị trí xoang bị viêm mà cảm giác đau nhức cũng sẽ khác nhau. Nếu viêm xoang hàm thì sẽ gây đau nhức vùng má, viêm xoang sàng trước gây đau nhức vùng giữa 2 mắt, viêm xoang trán gây đau nhức khu vực giữa 2 hàng lông mày, còn viêm xoang bướm thì gây đau nhức vùng gáy, đau sâu trong mũi.
- Nghẹt mũi
- Ho
- Sốt
- Đau họng
- Sưng ở quanh vùng mắt, thường vào buổi sáng
Hãy đến khám với bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng ngay nếu bệnh nhân có nhiều triệu chứng nghiêm trọng chẳng hạn như đau đầu dữ dội hoặc đau mặt, các triệu chứng kéo dài hơn 10 ngày mà không thuyên giảm, sốt lâu hơn 3 – 4 ngày, hoặc bị nhiễm trùng xoang tái lại nhiều lần trong năm.
Chẩn đoán & điều trị viêm xoang
Bác sĩ khám lâm sàng, có thể chỉ định: nội soi tai mũi họng., nuôi cấy vi khuẩn dịch mũi, chụp X-Quang vùng xoang, chụp CT, xét nghiệm máu
Bệnh có 2 phương pháp điều trị là dùng thuốc (nội khoa) và phẫu thuật (ngoại khoa). Thường thì viêm xoang mưng mủ cấp và bán cấp được điều trị nội khoa, còn viêm xoang mưng mủ mạn điều trị ngoại khoa. Tùy thuộc vào mức độ nặng của bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị để chữa trị hiệu quả nhất và hạn chế gây những tác dụng phụ hay biến chứng không mong muốn.
Điều trị nội khoa bằng thuốc:
- Thuốc chống dị ứng
- Thuốc co mạch
- Thuốc giảm đau nếu bị đau đầu
- Thuốc corticosteroid để làm giảm tình trạng viêm
- Thuốc tan đàm
- Thuốc kháng sinh (bác sĩ kê đơn) trong trường hợp có triệu chứng nặng, như sốt, đau cơ mặt, sưng tấy ở vùng mắt
Các phương pháp điều trị không dùng thuốc: khí dung, làm ẩm môi trường, rửa mũi bằng nước muối sinh lý.
Nếu không đáp ứng với điều trị nội khoa (điều trị bằng thuốc thất bại), người bệnh có thể cần phẫu thuật để làm sạch xoang, cải thiện thông khí, dẫn lưu, loại bỏ mủ đặc trong xoang, loại bỏ polyp mũi. Các phẫu thuật này thường được thực hiện bằng phương pháp nội soi.
Biến chứng
Biến chứng của viêm xoang mạn tính rất hiếm xảy ra, nhưng có thể bao gồm:
- Vấn đề về tầm nhìn. Nếu nhiễm trùng xoang lan đến hốc mắt, nó có thể gây giảm thị lực hoặc mù lòa vĩnh viễn.
- Nhiễm trùng. Hiếm khi, những người bị viêm xoang mạn tính có thể bị viêm màng và chất lỏng bao quanh não và tủy sống (viêm màng não), nhiễm trùng xương hoặc nhiễm trùng da nghiêm trọng.
Câu hỏi thường gặp
1. Cách trị viêm xoang tại nhà?
Những thói quen sinh hoạt sau sẽ giúp hạn chế diễn tiến của bệnh viêm mũi xoang:
Uống nhiều nước sẽ giúp làm loãng dịch nhầy đang bị tích tụ trong mũi.
Hạn chế uống rượu, chất có cồn, thuốc lá.
Dùng gạc ấm để lên vùng xoang trong 1 – 2 tiếng, có thể làm 4 lần/ngày
Tránh tiếp xúc với các chất làm dị ứng.
Không tùy tiện dùng thuốc mà không được bác sĩ chỉ định, vì những thuốc này có thể chứa chất không phù hợp với người bệnh và làm bệnh trở nặng.
Kê cao đầu vừa phải khi ngủ sẽ hạn chế tình trạng nghẹt mũi.
Rửa mũi thường xuyên bằng nước muối để làm thông hốc mũi.
2. Viêm xoang có lây không?
Viêm xoang có thể được gây ra bởi vi khuẩn hoặc nhiễm virus. Nếu bệnh vì nhiễm virus, người bệnh có thể làm lây virus cho người xung quanh, khiến họ có thể mắc bệnh do virus đó gây ra, như cảm lạnh hoặc viêm xoang. Nếu tình trạng viêm xoang kéo dài hơn 10 – 14 ngày, nhiều khả năng viêm xoang được gây ra bởi vi khuẩn. Nếu nhiễm trùng là do vi khuẩn thì không có khả năng lây lan.
Người bệnh viêm xoang nên đi khám tai mũi họng ngay lập tức nếu có một trong các triệu chứng sau: thị lực có vấn đề, đau dữ dội hoặc áp lực nặng ở vùng mặt, bị sốt cao, cổ bị cứng, khó thở, sưng hoặc đỏ quanh một hoặc cả hai mắt, khó tập trung… Những triệu chứng này là dấu hiệu ám chỉ tình trạng bệnh đang trở nên nghiêm trọng hơn.
Phòng khám tai mũi họng
Phòng khám Tai mũi họng tại Bệnh viện Đức Khang là nơi thăm khám, chẩn đoán và điều trị hiệu quả bệnh viêm xoang và các bệnh lý tai mũi họng khác. Tùy thuộc vào tình trạng của từng bệnh nhân, bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng có thể phối hợp với các chuyên khoa khác, như chẩn đoán hình ảnh, thần kinh, ung bướu, ngoại khoa… để đưa ra chẩn đoán chính xác và phương hướng điều trị hiệu quả nhất cho người bệnh.
Đội ngũ bác sĩ
BS CKII Trịnh Thanh Mai
BS CKII Trần Thanh Bình
BS CKI Mai Huỳnh Lạc
Đặt hẹn với Phòng khám Tai mũi họng:
Điền thông tin vào phiếu đặt hẹn TẠI ĐÂY
Gọi vào Hotline Bệnh Viện 0903.056.132
Trực tiếp đến khám tại Bệnh viện Đức Khang
500 Ngô Gia Tự, P9, Q5, TP. HCM (cổng số 1)
129A Nguyễn Chí Thanh, P9, Q5, TP. HCM (cổng số 2)
Nguồn tham khảo
- Sinusitis. Johns Hopkins Medicine. (n.d.). Retrieved February 17, 2022, from https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/sinusitis
- Viêm xoang. Viêm Xoang – Tai Mũi Họng. Cẩm nang MSD. Retrieved February 17, 2022, from https://www.msdmanuals.com