Viêm tai giữa là gì?
Viêm tai giữa (otitis media) là tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng ở tai giữa (khoang phía sau của màng nhĩ, được kết nối với cổ họng bằng vòi nhĩ – Eustachian tube). Viêm tai giữa có thể xảy ra do cảm lạnh, đau họng hoặc nhiễm trùng đường hô hấp. Vi khuẩn gây bệnh viêm tai giữa phổ biến nhất là Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae, và Moraxella catarrhalis.
Bệnh viêm tai giữa có thể phân thành 3 loại:
- Viêm tai giữa cấp: là tình trạng viêm tai giữa xảy ra đột ngột, gây sưng tấy và tấy đỏ. Chất dịch và chất nhầy bị ứ lại bên trong tai khiến người bệnh bị sốt và đau tai.
- Viêm tai giữa có ứ dịch: chất dịch và chất nhầy tiếp tục bị tích tụ trong tai giữa sau khi tình trạng nhiễm trùng ban đầu thuyên giảm. Người bệnh có thể có cảm giác đầy tai, thính giác có vấn đề, hoặc có thể không có triệu chứng gì.
- Viêm tai giữa mãn tính có ứ dịch: chất dịch vẫn còn trong tai giữa trong một thời gian dài hoặc tái phát nhiều lần, mặc dù không bị nhiễm trùng. Tình trạng này kéo dài khiến cơ thể khó chống lại các nhiễm trùng mới xảy ra sau này, và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thính giác của người bệnh.
Viêm tai giữa có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất là ở trẻ em. Theo tỉ lệ ước tính, cứ 4 trẻ thì sẽ có khoảng 3 trẻ mắc ít nhất một đợt viêm tai giữa trong giai đoạn khi trẻ lên 3 tuổi.
Nguyên nhân gây ra viêm tai giữa
Viêm tai giữa thường xảy ra do sự bất thường ở vòi nhĩ (eustachian tube), một ống liên kết tai giữa với vùng cổ họng. Vòi nhĩ giúp cân bằng áp lực giữa tai ngoài và tai giữa. Khi ống này hoạt động không bình thường, nó ngăn cản sự thoát dịch từ tai giữa, gây ra sự tích tụ chất lỏng phía sau màng nhĩ. Chất dịch này tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và virus phát triển trong tai, dẫn đến tìm trạng viêm tai. Sau đây là một số lý do khiến vòi nhĩ không hoạt động bình thường:
- Cảm lạnh hoặc dị ứng có thể dẫn đến sưng và tắc nghẽn niêm mạc mũi, họng và vòi nhĩ (sưng tấy làm ngăn cản sự thoát dịch bình thường từ tai)
- Dị tật của vòi nhĩ
Triệu chứng Viêm Tai Giữa
Mỗi bệnh nhân sẽ có những dấu hiệu viêm tai giữa khác nhau, các triệu chứng có thể bao gồm:
- Cảm thấy khó chịu bất thường
- Khó ngủ, hoặc ngủ không sâu giấc
- Sốt, đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
- Dịch chảy ra từ (các) tai
- Mất thăng bằng
- Khó nghe
- Đau tai
Các triệu chứng của bệnh có thể giống với một số tình trạng hoặc vấn đề y tế khác. Người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để được chẩn đoán bệnh một cách chính xác.
Chẩn đoán & Điều trị viêm tai giữa
Chẩn đoán bệnh bằng cách: khám tai mũi họng, khai thác bệnh sử và dấu hiệu lâm sàng, Nội soi tai – đặc biệt là người lớn nên nội soi vòm mũi họng để loại trừ u ác tính, và đo nhĩ lượng
Phương pháp điều trị ban đầu có thể bao gồm thuốc kháng sinh bằng đường uống hoặc thuốc nhỏ tai, và/hoặc thuốc giảm đau, hạ sốt. Nếu chất dịch ứ đọng trong tai kéo dài hơn ba tháng, và tình trạng nhiễm trùng tiếp tục tái phát ngay cả khi đã sử dụng thuốc kháng sinh, bệnh nhân cần đặt một ống thông khí vào tai để chất lỏng có thể thoát ra ngoài, giúp lấy lại cân bằng áp lực của tai giữa và bên ngoài. Thính lực của người bệnh có thể phục hồi sau khi chất dịch chảy ra hết.
Bệnh viêm tai giữa thường không nguy hiểm, nhưng do hệ thống tai mũi họng là một tổ hợp có liên kết mật thiết với nhau, nên viêm tai lâu ngày không được chữa trị có thể dẫn đến nhiều biến chứng như nghe kém, mất thính lực vĩnh viễn, liệt mặt, viêm mê đạo, xẹp nhĩ, xơ màng nhĩ… Do vậy, khi có triệu chứng của viêm tai, người bệnh hoặc phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện có chuyên khoa Tai mũi họng uy tín để được chẩn đoán và điều trị sớm.
Câu hỏi thường gặp
1. Bệnh viêm tai giữa có gây ra biến chứng gì không?
Ngoài các triệu chứng của nhiễm trùng tai được liệt kê ở trên, viêm tai nếu không được điều trị sớm có thể dẫn đến các biến chứng sau: nhiễm trùng các bộ phận khác ở vùng đầu, mất thính lực vĩnh viễn, các vấn đề về phát triển lời nói và ngôn ngữ.
2. Làm thế nào để phòng chống bệnh viêm tai giữa ở trẻ?
Một số cách làm giảm nguy cơ viêm tai ở trẻ:
- Không hút thuốc: nghiên cứu đã chỉ ra rằng hút thuốc lá thụ động làm tăng nguy nhiễm trùng tai. Hãy đảm bảo rằng các thành viên trong gia đình không có ai hút thuốc trong nhà hoặc trong xe hơi, đặc biệt là khi có mặt của trẻ.
- Kiểm soát dị ứng: tình trạng viêm và chất nhầy do phản ứng dị ứng có thể làm tắc vòi nhĩ, tăng nguy cơ viêm tai.
- Ngăn ngừa cảm lạnh: giảm nguy cơ mắc bệnh cảm lạnh ở trẻ trong những năm đầu đời. Không cho trẻ dùng chung đồ chơi, thức ăn, cốc uống nước hoặc đồ dùng. Rửa tay thường xuyên. Hầu hết các bệnh nhiễm trùng tai đều bắt đầu bằng cảm lạnh.
- Để ý tiếng thở bằng miệng hoặc tiếng ngáy: trẻ ngáy liên tục hoặc thở bằng miệng có thể do khối adenoids lớn gây ra, góp phần gây nhiễm.
- Tiêm vaccine đầy đủ cho trẻ.
Phòng khám tai mũi họng
Phòng khám Tai mũi họng tại Bệnh viện Đức Khang là nơi thăm khám, chẩn đoán và điều trị hiệu quả bệnh viêm xoang và các bệnh lý tai mũi họng khác. Tùy thuộc vào tình trạng của từng bệnh nhân, bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng có thể phối hợp với các chuyên khoa khác, như chẩn đoán hình ảnh, thần kinh, ung bướu, ngoại khoa… để đưa ra chẩn đoán chính xác và phương hướng điều trị hiệu quả nhất cho người bệnh.
Đội ngũ bác sĩ
BS CKII Trịnh Thanh Mai
BS CKII Trần Thanh Bình
BS CKI Mai Huỳnh Lạc
Đặt hẹn với Phòng khám Tai mũi họng:
Điền thông tin vào phiếu đặt hẹn TẠI ĐÂY
Gọi vào Hotline Bệnh Viện 0903.056.132
Trực tiếp đến đăng ký khám tại Bệnh viện Đức Khang
500 Ngô Gia Tự, P9, Q5, TP. HCM (cổng số 1)
129A Nguyễn Chí Thanh, P9, Q5, TP. HCM (cổng số 2)
Nguồn tham khảo
- Ear infection (otitis media). Symptoms & Treatment | Johns Hopkins Medicine. https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/otitis-media
- Ear infection (otitis media): Symptoms, causes, prevention & treatment. Cleveland Clinic. https://my.clevelandclinic.org/