Thức ăn và thức uống có thể làm thay đổi các thông số dược động học cũng như thay đổi tác động dược lý và độc tính của thuốc. Ngược lại, thuốc cũng ảnh hưởng đến sự hấp thu của thực phẩm. Vận dụng các đặc điểm của tương tác thuốc – thực phẩm vào chế độ điều trị để có thể nâng cao hiệu quả và an toàn cho người bệnh.
ẢNH HƯỞNG CỦA THỨC ĂN
1. Thức ăn làm thay đổi dược động học của thuốc
1.1 Thay đổi sự hấp thu thuốc
- Ảnh hưởng đến tốc độ hấp thu thuốc
Thức ăn làm chậm tốc độ rỗng dạ dày, do đó có thể làm chậm sự hấp thu thuốc. Nếu uống thuốc vào lúc dạ dày rỗng thì thời gian lưu ở dạ dày từ 10 – 30 phút, trong khi uống lúc no có thể lên đến 4 giờ. Thành phần của bữa ăn cũng có ảnh hưởng đến hấp thu thuốc. Bữa ăn giàu chất béo, quá mặn hay quá chua đều làm chậm tốc độ rỗng dạ dày và làm chậm hấp thu thuốc.
- Ảnh hưởng đến mức độ hấp thu của thuốc
Sau khi ăn, tốc độ làm rỗng dạ dày chậm đi và lượng acid dịch vị tăng lên. Điều này có thể làm sinh khả dụng của một số thuốc kém bền trong môi trường acid. Do đó cần uống các thuốc như penicilin G, levodopa, didanosin, ampicilin, erythromycin, lincomycin, mercatopurin…cách xa bữa ăn để tránh thuốc bị lưu giữ lâu trong dạ dày.
Hấp thu của các thuốc ở dạng rắn, độ tan thấp chịu ảnh hưởng bởi thức ăn nhiều hơn thuốc dạng lỏng. Ví dụ như aspirin dạng viên nén uống sau khi ăn sẽ bị giảm sinh khả dụng 50% trong khi đối với dạng viên sủi thì sự hấp thu không bị ảnh hưởng bởi thức ăn.
Thành phần trong thức ăn có thể tương tác với thuốc. Calci và các cation có trong thực phẩm có thể tạo phức chelat không tan với một số thuốc, từ đó làm giảm sự hấp thu thuốc.
Ngược lại, thức ăn có thể làm tăng hấp thu thuốc trong các ví dụ sau đây. Một số chất béo trong thức ăn kích thích sự tiết mật, có lợi cho việc hấp thu các thuốc thân dầu như griseofulvin, ketoconazol, saquinavir, lovastatin, vitamin tan trong dầu A, D, E, K. . Các thuốc có độ tan kém như propoxylen, penicilin V khi lưu lại ở dạ dày lâu sẽ chuyển thành dạng tan tốt hơn. Với những thuốc mà kích thước hạt có ảnh hưởng tới cường độ hấp thu như griseofulvin, nitrofurantoin, spironolacton thì nên được dùng trong bữa ăn vì sự tăng tiết dịch tiêu hóa và sự nhào trộn thức ăn sẽ giúp gia tăng sự hấp thu thuốc. Thức ăn hoạt hóa enzym vận chuyển các chất qua màng nhầy ruột, làm tăng sự hấp thu của vitamin, glucose, acid amin và muối khoáng.
Bảng 1. Cơ chế tương tác thuốc – thức ăn
Cơ chế | Thuốc ảnh hưởng | Hệ quả |
Ổn định kém trong môi trường acid | Azithromycin
Ampicilin Erythromycin (một số muối) Isoniazid |
Phân hủy thuốc và giảm sinh khả dụng, giảm hiệu quả điều trị. |
Chelat hóa | Bisphosphonat
Ciprofloxacin Norfloxacin |
Giảm sinh khả dụng, giảm hiệu quả điều trị
|
Phụ thuộc môi trường acid | Amprenavir
Itraconazol (viên nang) Ketoconazol |
Hấp thu phụ thuộc vào môi trường acid |
Tăng hòa tan thuốc nhờ acid mật hoặc chất béo | Carbamazepin
Griseofulvin Isotretionin Saquinavir Tacrolimus |
Tăng sinh khả dụng |
Gắn/hấp phụ | Digoxin | Sinh khả dụng của Digoxin bị giảm do thuốc gắn vào chất xơ, không hấp thu được |
Giảm tốc độ làm rỗng dạ dày | Đa số thuốc | Giảm tốc độ hấp thu |
Lưu ý: Dùng thuốc với thức ăn thường có nghĩa là dùng thuốc trong vòng 15 phút trước khi ăn, trong bữa ăn hoặc trong vòng 30 phút sau khi ăn. Dùng thuốc lúc bụng đói có nghĩa là dùng thuốc ít nhất 30 – 60 phút trước khi ăn hoặc ít nhất 2 giờ sau khi ăn.
1.2 Thay đổi sự chuyển hóa thuốc
Một số thành phần trong thức ăn có thể ảnh hưởng đến chuyển hóa của thuốc bằng cách ức chế hoặc cảm ứng hoạt tính của các enzym CYP450 và CYP1A2. Khi dùng chung với các thuốc như cyclosporin, thuốc chẹn kênh calci nhóm dihydropyridin sẽ gây tương tác giảm chuyển hóa thuốc làm gia tăng nồng độ các thuốc này lên đến vài trăm phần trăm.
Thịt nướng than kiểu ‘barbecue’ có thể gây cảm ứng enzym CYP1A2, làm giảm hiệu lực của thuốc.
1.3 Thay đổi sự đào thải thuốc
Một số thức ăn có thể làm thay đổi pH nước tiểu và do đó ảnh hưởng đến sự đào thải thuốc. Ví dụ, vitamin C và các acid hữu cơ trong thức ăn có thể làm tăng nguy cơ kết tinh thuốc sulfamid trong thận.
2. Thức ăn làm thay đổi dược lực học của thuốc
Thức ăn ngăn cản sự tiếp xúc của thuốc với niêm mạc tiêu hóa, có thể đưa đến các hệ quả sau:
- Làm giảm lượng thuốc vào máu dẫn đến giảm tác dụng đối với các thuốc có tác dụng toàn thân, ngược lại, làm tăng tác dụng và giảm tác dụng không mong muốn toàn thân đối với những thuốc có tác dụng tại chỗ trong lòng ruột.
- Tránh được các tác dụng kích ứng của một số thuốc lên niêm mạc dạ dày, ruột, giúp làm giảm tác dụng phụ gây buồn nôn, nôn hoặc loét đường tiêu hóa của thuốc (aspirin, quinin, erythromycin, KCl).
Do làm tăng thêm, hiệp lực hoặc đối kháng tác dụng của thuốc
- Khi dùng các thức ăn giàu tyramin (phô mai, gan gà, chuối,…) với thuốc MAOI như isocarbosazid, phenelzin, tranyclypromin… hoạt tính của enzym MAOI bị ức chế nên tyramin không được chuyển hóa và sẽ ồ ạt đi vào vòng tuần hoàn chung, chuyển thành noradrenalin gây ra các biểu hiện trên tim mạch như tim đập nhanh, mặt đỏ bừng, đau đầu dữ dội, cơn tăng huyết áp kịch phát và đã có trường hợp tử vong do xuất huyết nội sọ.
- Các thức ăn chứa histamin (cá ngừ ươn) khi sử dụng với isoniazid sẽ gây chứng đỏ bừng, nhức đầu, khó thở, buồn nôn, tim nhanh… do isoniazid ức chế histaminase.
- Các loại rau xanh chứa vitamin K sẽ đối kháng với tác dụng của các thuốc chống đông kháng vitamin K như wafarin.
- Các thuốc ức chế hệ renin-angiotensin làm tăng nồng độ kali trong huyết tương do làm giảm hoạt tính của aldosteron. Nếu chế độ ăn thường xuyên chứa các thức ăn giàu kali như cam, chuối có thể làm tăng kali huyết, dẫn đến loạn nhịp tim.
Bảng 2. Ảnh hưởng của thành phần dinh dưỡng trên một số thuốc
Loại thức ăn | Thuốc | Lưu ý dùng thuốc |
Thức ăn giàu vitamin K | Wafarin | Nên ổn định lượng thức ăn giàu vitamin K trong các bữa ăn để tránh làm thay đổi INR.
Không cần kiêng ăn. |
Thức ăn giàu kali và thuốc bổ sung kali | Thuốc ức chế men chuyển
Thuốc kháng thụ thể angiotensin Thuốc lợi tiểu tiết kiệm Kali |
Lượng ăn vừa phải để tránh nguy cơ tăng kali huyết. |
Bữa ăn giàu protein | Levodopa | Giảm hấp thu levodopa vào não và có thể làm giảm hiệu quả trên lâm sàng. |
Tyramin | Thuốc ức chế monoamin | Nguy cơ bị tăng huyết áp nghiêm trọng |
Thức ăn giàu calci | Tetracyclin
Quinolon |
Tạo phức chelat và giảm hấp thu thuốc, làm tăng nguy cơ thất bại điều trị |
ẢNH HƯỞNG CỦA THỨC UỐNG
1. Thức uống có cồn (rượu)
Rượu và thức uống có cồn có thể xảy ra các tương tác với thuốc qua những cơ chế sau:
- Kích thích tiêu hóa làm tăng tính thấm qua màng (thuốc trị giun sán).
- Ảnh hưởng đến sự hấp thu thuốc: làm giảm hấp thu một số thuốc do co thắt hạ vị (diazepam, penicilin V…) và làm tăng hấp thu một số thuốc do tăng độ hòa tan và tăng lưu lượng máu ở ruột (glycerin trinitrat).
- Ảnh hưởng đến sự phân bố thuốc: ở người nghiện rượu, albumin huyết giảm nên làm tăng sự phân bố thuốc vào các mô.
- Ảnh hưởng đến chuyển hóa thuốc tại gan: ở người thỉnh thoảng uống rượu, rượu cạnh tranh chuyển hóa của CYP làm giảm chuyển hóa thuốc dùng chung và có thể làm tăng nồng độ thuốc trong máu. Ngược lại, nghiện rượu mạn làm cảm ứng enzym, giảm tác dụng của các thuốc hoặc làm tích tụ chất chuyển hóa gây độc của thuốc.
Bảng 3. Một số tương tác thuốc thường gặp giữa thuốc và thức uống có cồn
Thuốc | Cơ chế tương tác | Hệ quả lâm sàng |
Metronidazol, một số cephalosporin thế hệ 3, sulfamethoxazol/trimethoprim | Phản ứng “giống disulfiram” | Đỏ bừng mặt, đổ mồ hôi, đau đầu… |
Thuốc giãn mạch, nitroglycerin | Tăng tác dụng phụ | Nguy cơ tụt huyết áp, dễ té ngã |
Sulfonylurea, insulin | Tăng tác dụng phụ | Hạ đường huyết |
Opioid | Tăng tác dụng phụ | Tăng tác dụng trên hệ thần kinh trung ương như gây buồn ngủ, ngủ ngày, giảm khả năng vận động. |
Wafarin | Giảm chuyển hóa ở bệnh nhân mới nghiện rượu
Tăng chuyển hóa ở bệnh nhân nghiện rượu mạn |
Tăng nguy cơ xuất huyết
Giảm tác dụng chống đông |
NSAID, aspirin | Tăng tác dụng phụ | Tăng nguy cơ loét dạ dày |
Paracetamol | Tăng chuyển hóa thành NAPQI | Tăng độc tính trên gan |
Phenytoin | Tăng cảm ứng enzym | Giảm hiệu quả của thuốc |
Kháng histamin H1 thế hệ 1 | Tăng tác dụng phụ | Tăng tác dụng trên hệ thần kinh trung ương như gây buồn ngủ, ngủ ngày, giảm điều hòa vận động.
Nguy cơ cao hơn ở người cao tuổi. |
2. Thức uống khác
Sữa
- Làm giảm hấp thu các kháng sinh nhóm tetracyclin, quinolon do tạo phức chelat khó tan
- Giúp các thuốc thân dầu dễ tan hơn do sữa chứa nhiều lipid
- Làm giảm kích ứng dạ dày của một số thuốc có bản chất acid do sữa có pH khá cao
Trà, cà phê
- Làm giảm hấp thu một số chất như sắt (phức hợp với tanin trong trà), alendronat, haloperidol
- Làm tăng đào thải một số chất do tác dụng lợi tiểu
- Làm tăng tác dụng của một số thuốc tác động trên hệ thần kinh trung ương, thuốc giảm đau hạ sốt
- Làm tăng tác dụng phụ của các thuốc ức chế MAO, phenylpropanolamin
Nguồn tham khảo
- Giáo Trình Dược Lâm Sàng – Đại Cương
nhà thuốc bệnh viện đức khang
129A Nguyễn Chí Thanh, P9, Q5, TP. HCM
Liên hệ Hotline Nhà Thuốc 0931.888.458 để được tư vấn và đặt mua thuốc