Bản tin thuốc tháng 12.2023 - Hội chứng Dress - Bệnh viện Đức Khang

Bản tin thuốc tháng 12.2023 – Hội chứng Dress

Hội chứng DRESS là một phản ứng do thuốc đặc trưng bởi tình trạng tăng bạch cầu ái toan và các triệu chứng toàn thân. Đây là hội chứng gây hại cho cả người lớn lẫn trẻ em và có thể dẫn đến tử vong. Các biểu hiện thường xảy ra sau 2 – 8 tuần kể từ khi người bệnh bắt đầu dùng thuốc. Tỷ lệ người bệnh mắc hội chứng DRESS sau khi sử dụng một số thuốc nhất định khoảng 1/1000.

Dấu hiệu và triệu chứng

Ngoài sốt, dấu hiệu thường thấy đầu tiên của DRESS là phát ban, bắt đầu là các đốm đỏ phẳng hoặc hơi nổi lên. Ban da có thể lan rộng khắp cơ thể, từ mặt và lan xuống tay, chân. Hầu hết người bệnh bị phù nề mặt, môi khô, nứt nẻ, hiếm gặp trường bị loét ở miệng, mắt, hậu môn hay cơ quan sinh dục. Các hạch bạch huyết ở cổ và các khu vực khác cũng có thể bị sưng lên. Có thể có viêm tại một số cơ quan lớn, như viêm gan hoặc thận.

Nguyên nhân 

Mặc dù khi bắt đầu có các triệu chứng, người bệnh có thể đang dùng đồng thời nhiều thuốc, DRESS lại thường chỉ do một loại thuốc gây ra. Các loại thuốc gây ra DRESS thường gặp là thuốc chống động kinh (lamotrigin, phenytoin, carbamazepin), thuốc điều trị nhiễm trùng hoặc một số bệnh lý da thông thường như mụn trứng cá (vancomycin, trimethoprim-sulfamethoxazol, minocyclin) và thuốc điều trị gout (allopurinol).

Chẩn đoán

Cần hỏi người bệnh về triệu chứng và các thuốc dùng trong 2 tháng gần đây, sau đó tiến hành khám tổng quát. Thực hiện xét nghiệm máu và sinh thiết da nếu cần. Kết quả xét nghiệm máu thường cho thấy bạch cầu ái toan tăng cao và có thể có bằng chứng cho thấy gan hoặc thận đã bị ảnh hưởng (hiếm khi gặp ở các cơ quan khác như tim).

Điều trị

Việc đầu tiên là ngừng sử dụng thuốc gây ra hội chứng DRESS. Nếu người bệnh đang sử dụng đồng thời nhiều thuốc mà không thể xác định thuốc nghi ngờ, bệnh nhân sẽ cầndừng sử dụng tất cả các loại thuốc nghi ngờ. Người bệnh có thể phải nhập viện để điều trị. Trong trường hợp nhẹ, kem bôi da chứa corticosteroid có thể dùng để bôi lên các vết phát ban. Đối với trường hợp phát ban nặng hoặc khi có tổn thương cơ quan, thuốc ức chế miễn dịch đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch cũng có thể được sử dụng (ví dụ: corticosteroid, cyclosporin). Để ngăn ngừa DRESS tái phát, việc điều trị cần được giảm từ từ trong nhiều tuần đến nhiều tháng.

Theo dõi chăm sóc

Sau khi bệnh nhân bình phục, bác sĩ chuyên khoa da liễu – dị ứng có thể thực hiện thử nghiệm áp da (patch test) để xác định loại thuốc nào gây ra hội chứng DRESS. Sau 48 giờ, bác sĩ sẽ loại bỏ các tác nhân và kiểm tra xem có phản ứng dương tính trên da bệnh nhân không. Xét nghiệm di truyền cũng có thể hữu ích.

Các bác sĩ cần hướng dẫn người bệnh về loại thuốc cần tránh trong tương lai để ngăn ngừa hội chứng DRESS tái phát. Sau khi hồi phục, người bệnh có thể tăng nguy cơ mắc các bệnh tự miễn (ví dụ: bệnh tuyến giáp) và các biến chứng về sức khỏe tâm thần (ví dụ: lo lắng, trầm cảm và rối loạn căng thẳng sau sang chấn). Vì vậy, người bệnh nên đi khám sức khỏe định kỳ và xét nghiệm máu trong 5 năm kể từ lần đầu tiên mắc hội chứng DRESS.

Quay lại
Chia sẻ: