Lợi ích của mũi tiêm nhắc lại lần 4 vắc xin COVID-19 - Bệnh viện Đức Khang

Lợi ích của mũi tiêm nhắc lại lần 4 vắc xin COVID-19

Lợi ích của mũi tiêm nhắc lại lần 4 vắc xin COVID-19

Lần tiêm vắc xin mũi 4 (liều nhắc) COVID-19 hiện đang là chủ đề sôi nổi cần thảo luận. Khả năng tạo miễn dịch chống lại các biến thể mới chủng Omicron (hiện tại là BA.4 và BA.5) ngày càng suy yếu dần. Liệu việc tiếp tục tiêm chủng khi đã được tiêm phòng trước đó có lợi hay không?

Leif Erik Sander, MD, Trưởng khoa bệnh học phổi và truyền nhiễm tại Đại học Y khoa Charité ở Berlin, Đức cung cấp dữ liệu mới nhất cho thấy một thông điệp rõ ràng rằng: “Tiêm vắc-xin phòng COVID-19 vẫn có hiệu quả chống lại Omicron. Sau ba liều tiêm phòng, vắc xin vẫn tiếp tục ngăn ngừa các trường hợp bệnh nặng, suy hô hấp và tử vong”. Dữ liệu được báo cáo tại Hội nghị của Hiệp hội Y khoa bệnh học phổi và hô hấp Đức tại Leipzig.

Dữ liệu gần đây nhất từ Vương quốc Anh cho thấy hiệu quả của vắc xin chống lại chủng Omicron giảm chỉ sau vài tháng, điều này nói lên lợi ích của việc tiêm chủng lần 4.

Tăng cường khả năng miễn dịch

Sander nhấn mạnh: “Việc tăng cường khả năng miễn dịch tạo ra tất cả sự khác biệt ở đây. Các thí nghiệm tại Đại học Charité Berlin cho thấy rằng sau 2 mũi chủng ngừa, huyết thanh tiêm chủng từ những người trẻ khỏe mạnh không còn khả năng vô hiệu hóa chủng Omicron nữa. Nhưng lần chủng ngừa thứ ba mang lại hiệu giá kháng thể trung hòa rất tốt, thậm chí chống lại chủng Omicron”.

Mũi tiêm phòng lần 3 vắc xin COVID-19 mở rộng đáp ứng miễn dịch dịch thể chống lại protein gai để những yếu tố quyết định kháng nguyên (epitopes) bảo tồn không thay đổi, đối với cả chủng Omicron, kết quả là một lần nữa tạo ra kháng thể trung hòa.

Duy trì khả năng bảo vệ

Tuy nhiên, dữ liệu từ Vương quốc Anh về hiệu quả của vắc xin cho thấy giới hạn không rõ ràng. Ban đầu, sau ba mũi vắc xin COVID-19, hiệu quả chống lại triệu chứng sau nhiễm chủng Omicron là rất tốt. Hiệu quả này giảm đáng kể trong vài tháng tiếp theo. Sander phát biểu: “Rất nhiều người vẫn nhiễm chủng Omicron mặc dù đã tiêm mũi tăng cường”.

Tuy nhiên, tỷ lệ nhiễm chủng Omicron cao trong thời gian gần đây không gây áp lực cho hệ thống y tế. Sander cho biết thêm “Điều này chứng tỏ hiệu quả của vắc xin chống lại các diễn biến bệnh nghiêm trọng cần nhập viện và tình trạng suy hô hấp ở nhóm dân số có nguy cơ như người trên 65 tuổi, sau khi họ được chủng ngừa ba mũi. Dữ liệu cũng cho thấy có sự bảo vệ tốt trên 90%, thậm chí giảm tỷ lệ tử vong.

Cảnh báo

Cho đến hiện tại, việc tiêm chủng thậm chí vẫn tiếp tục có tác dụng chống lại chủng Omicron. Nó ngăn ngừa các trường hợp nặng, suy hô hấp và tử vong. Tuy nhiên, chỉ sau 3 tháng, khả năng bảo vệ suy giảm nhẹ.

Do đó, câu hỏi được đặt ra là liệu tiêm chủng lần thứ tư có cần thiết hay không. Ở Israel, chủng Delta đã được loại bỏ thành công với lần tiêm chủng thứ ba và bây giờ họ đang thử điều này một lần nữa đối với chủng Omicron với lần tiêm chủng thứ tư.

Khả năng bảo vệ của mũi tiêm phòng lần 4

Sander nói: “Đối với những người trên 60 tuổi, khả năng bảo vệ gần như tăng gấp bốn lần sau lần tiêm chủng thứ tư. Tuy nhiên, điều này vẫn còn nhiều bất ổn do vẫn chưa biết mức độ ổn định của nó như thế nào.”

Hy vọng dựa trên kết quả của một nghiên cứu chưa được bình duyệt từ Thụy Điển, hiện chỉ có sẵn dưới dạng bản thảo. Nghiên cứu đó cho thấy rằng việc tiêm vắc xin mũi thứ tư ở nhóm dân số có nguy cơ cao gồm những người sống tại viện dưỡng lão và những người trên 80 tuổi có thể giúp giảm một nửa tỷ lệ tử vong nói chung. Sander nói: “Nếu điều này có thể được khẳng định và nhân rộng, mũi tiêm lần 4 vắc xin COVID-19 phải được khuyến cáo rộng rãi cho nhóm nguy cơ cao này. Ủy ban thường trực về tiêm chủng ở Đức hiện đang khuyến cáo các nhóm nguy cơ cao nên tiêm vắc xin COVID-19 mũi thứ tư. Tuy nhiên, cho đến nay, điều này mới chỉ được thực hiện một cách nửa vời.

Xu hướng đột biến

Chủng Omicron vẫn tiếp tục phát triển. Tiếp theo sau là biến thể BA.1 và nhiều biến thể phụ BA.2, BA.4 và BA.5 đang lây lan ở Đức.

Sự mất khả năng miễn dịch chống lại biến thể BA.4 và BA.5 rõ ràng hơn. Sander nói: “Nếu bạn bị nhiễm biến thể BA.1, bạn sẽ không tạo được miễn dịch với biến thể BA.5. Khả năng miễn dịch giảm đối với biến thể BA.4 và BA.5 thậm chí còn rõ rệt hơn. Bất kỳ ai bị nhiễm biến thể BA.1 đều không tạo được miễn dịch với biến thể BA.5. Hai nhánh không chỉ có các đột biến protein gai giống BA.2 mà còn có thêm các đột biến protein gai. Theo chuyên gia, rất có thể những chủng này sẽ chiếm ưu thế vì chúng có khả năng tránh được miễn dịch của quần thể một cách tốt nhất”.

Thích ứng của vắc xin Moderna

Công ty dược phẩm Moderna của Mỹ gần đây đã nộp những kết quả đầu tiên liên quan đến vắc xin Omicron mRNA-1273.214, được điều chỉnh để thích ứng với chủng Omicron BA.1. Dự kiến sẽ sớm có dữ liệu từ BioNTech.

Vắc xin thử nghiệm mRNA-1273.214 cho thấy sự gia tăng gấp tám lần hiệu giá kháng thể trung bình chống lại chủng Omicron ở những người tham gia nghiên cứu có huyết thanh âm tính ngay từ đầu, so với vắc xin đã được phê duyệt.

Trong thông báo mới nhất của mình, Moderna đã không công bố bất kỳ dữ liệu nào về hiệu quả của loại vắc xin mới cập nhật chống lại các biến thể vi rút BA.4 hoặc BA.5. Dữ liệu về các tiêu chí lâm sàng, chẳng hạn như nhập viện hoặc tử vong, cũng không có sẵn.

Tiêm đồng thời vắc xin Cúm và Covid 19

Sander dự đoán rằng đợt tiêm chủng thứ tư chống lại COVID-19 sẽ diễn ra với đợt coronavirus tiếp theo vào tháng 9 hoặc tháng 10. Ông nhận xét rằng việc kết hợp nó với việc tiêm phòng cúm nên được xem xét.

Đại dịch coronavirus đã dẫn đến sự thay đổi của các đợt dịch bộc phát theo mùa khác. Vào mùa hè, các khoa nhi quá tải tình trạng trẻ bị nhiễm virus hợp bào hô hấp. Và trong khi mùa cúm trong hơn 2 năm qua hầu như không có thì năm nay đợt cúm có thể xảy ra sớm hơn đáng kể so với thường lệ.

Nguồn: https://www.medscape.com/viewarticle/976436?reg=1

Quay lại
Chia sẻ: