Đái tháo đường – Tổng quan về bệnh tiểu đường - Bệnh viện Đức Khang

Đái tháo đường – Tổng quan về bệnh tiểu đường

Tổng quan về đái tháo đường

Đái tháo đường (còn gọi là tiểu đường) là một bệnh lý mạn tính liên quan đến việc cơ thể không tạo ra đủ insulin hoặc không thể sử dụng insulin một cách hiệu quả như bình thường. Khi không có đủ insulin hoặc các tế bào không phản ứng với insulin, lượng đường (gluocse) trong máu sẽ tăng cao. Theo thời gian, điều này gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như bệnh tim, mất thị lực, và bệnh thận.

Phân loại bệnh:

  • Đái tháo đường type 1
  • Đái tháo đường type 2
  • Tiền đái tháo đường
  • Đái tháo đường thai kỳ

Đái tháo đường type 1 có thể bắt đầu ở bất kỳ độ tuổi nào, nhưng thường bắt đầu trong thời thơ ấu hoặc tuổi thiếu niên. Đái tháo đường type 2 là loại phổ biến hơn, có thể phát triển ở mọi độ, thường gặp ở người trên 40 tuổi, nhưng tiểu đường loại 2 ở trẻ em đang gia tăng.

Đái tháo đường – Tổng quan về bệnh tiểu đường

Dấu hiệu của đái tháo đường

Ở người mắc tiền đái tháo đường, đái tháo đường thai kỳ, hoặc đái tháo đường type 2, có thể không có triệu chứng khi bệnh còn ở giai đoạn đầu. Đối với bệnh type 1, các triệu chứng thường xuất hiện nhanh chóng và nghiêm trọng hơn.

Một số triệu chứng, dấu hiệu của đái tháo đường type 2 và type 1:

  • Thường xuyên cảm thấy khát nước
  • Đi tiểu nhiều lần
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân
  • Có sự hiện diện của ketone trong nước tiểu. Ketone là sản phẩm phụ của sự phân hủy cơ bắp và chất béo khi không có đủ insulin
  • Cảm thấy mệt mỏi, yếu ớt, hay thấy cáu kỉnh, thay đổi tâm trạng
  • Thị lực mờ
  • Các vết thương chậm lành
  • Nhiễm trùng thường xuyên, như nhiễm trùng nướu, da và âm đạo
  • Dấu hiệu trên da

Nguyên nhân

Để hiểu về bệnh tiểu đường, điều quan trọng là hiểu cách cơ thể sử dụng glucose.

Cách insulin hoạt động:

  • Insulin là một loại hormone được tiết ra từ một tuyến phía sau và dưới dạ dày (tuyến tụy).
  • Tuyến tụy giải phóng insulin vào máu.
  • Insulin tuần hoàn, giúp đường đi vào các tế bào.
  • Insulin làm giảm lượng đường trong máu.
  • Khi mức đường trong máu giảm, việc tiết insulin từ tuyến tụy cũng giảm.

Vai trò của glucose:

  • Glucose — một loại đường — là nguồn năng lượng cho các tế bào tạo nên cơ bắp và các mô khác.
  • Glucose đến từ hai nguồn chính: thức ăn và gan.
  • Đường được hấp thụ vào máu và đi vào các tế bào nhờ sự giúp đỡ của insulin.
  • Gan lưu trữ và tạo ra glucose. Khi mức glucose thấp, chẳng hạn như khi bạn không ăn trong một thời gian, gan phân hủy glycogen lưu trữ thành glucose. Điều này giúp duy trì mức glucose trong một phạm vi bình thường.

Nguyên nhân chính xác của bệnh vẫn chưa rõ. Trong tất cả các trường hợp, đường tích tụ trong máu vì tuyến tụy không sản xuất đủ insulin. Cả đái tháo đường type 2 và type 1 còn có thể là do sự kết hợp giữa các yếu tố di truyền hoặc môi trường gây ra.

Yếu tố nguy cơ

Đái tháo đường type 1
  • Tiền sử gia đình: Có cha mẹ, anh chị em mắc tiểu đường loại 1.
  • Tuổi tác: Bạn có thể mắc tiểu đường loại 1 ở bất kỳ độ tuổi nào, nhưng thường phát triển ở trẻ em, thanh thiếu niên hoặc người trẻ tuổi.
  • Tại Hoa Kỳ, người da trắng có nguy cơ mắc tiểu đường loại 1 cao hơn người Mỹ gốc Phi và người gốc Tây Ban Nha hoặc Latino.
Tiền đái tháo đường và Đái tháo đường type 2
  • Thừa cân hoặc béo phì.
  • Trên 45 tuổi.
  • Có cha mẹ hoặc anh chị em mắc tiểu đường loại 2.
  • Hoạt động thể chất ít hơn 3 lần mỗi tuần.
  • Mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD).
  • Đã từng mắc tiểu đường thai kỳ (tiểu đường trong thai kỳ) hoặc sinh con nặng hơn 9 pound (khoảng 4kg).
  • Là người Mỹ gốc Phi, người gốc Tây Ban Nha hoặc Latino, người Mỹ bản địa hoặc người Alaska bản địa. Một số người Thái Bình Dương và người Mỹ gốc Á cũng có nguy cơ cao hơn.

Tầm soát

Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) khuyến nghị những đối tượng sau nên được tầm soát tiểu đường:

  • Bất kỳ ai có chỉ số khối cơ thể (BMI) cao hơn 25 (23 đối với người Mỹ gốc Á), không phân biệt độ tuổi, và có các yếu tố nguy cơ bổ sung. Các yếu tố này bao gồm huyết áp cao, mức cholesterol không điển hình, lối sống ít vận động, tiền sử mắc hội chứng buồng trứng đa nang hoặc bệnh tim, và có người thân gần mắc bệnh tiểu đường.
  • Bất kỳ ai trên 35 tuổi nên được tầm soát đường huyết ban đầu. Nếu kết quả bình thường, họ nên được tầm soát lại mỗi ba năm sau đó.
  • Phụ nữ đã từng mắc tiểu đường thai kỳ nên được tầm soát tiểu đường mỗi ba năm.
  • Bất kỳ ai đã được chẩn đoán mắc tiền tiểu đường nên được kiểm tra mỗi năm.
  • Bất kỳ ai nhiễm HIV đều nên được kiểm tra.

Chẩn đoán

Xét nghiệm HbA1C

Xét nghiệm máu này cho thấy mức đường huyết trung bình trong 2 đến 3 tháng qua. Nó đo tỷ lệ phần trăm đường trong máu gắn với hemoglobin, một loại protein mang oxy trong các tế bào hồng cầu. Nó còn được gọi là xét nghiệm hemoglobin glycated. Mức đường huyết càng cao sẽ càng có nhiều hemoglobin gắn với đường.

  • Bình thường: Dưới 5.7%
  • Tiền đái tháo đường: 5.7 – 6.4%
  • Đái tháo đường: Trên 6.5%
Xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên

Mẫu máu sẽ được lấy vào một thời điểm ngẫu nhiên. Bất kể lần ăn cuối cùng là khi nào, mức đường huyết từ 200 mg/dL (mmol/L) được chẩn đoán là đái tháo đường.

Xét nghiệm đường huyết lúc đói

Mẫu máu sẽ được lấy sau khi bạn không ăn bất cứ thứ gì vào đêm trước đó (nhịn ăn).

  • Bình thường: Dưới 100 mg/dL
  • Tiền đái tháo đường: 100–125 mg/dL
  • Đái tháo đường: Trên 126 mg/dL
Xét nghiệm dung nạp glucose

Đối với xét nghiệm này, bạn sẽ nhịn ăn qua đêm.

  • Bình thường: Dưới 140 mg/dL
  • Tiền đái tháo đường: 140–199 mg/dL
  • Đái tháo đường: Trên 200 mg/dL
Xét ngiệm nước tiểu

Để tìm sự hiện diện của ketone. Ketone là sản phẩm phụ được tạo ra khi cơ và mỡ được sử dụng để tạo năng lượng.

Điều trị

Điều trị đái tháo đường type 1 bao gồm tiêm insulin hoặc sử dụng bơm insulin, kiểm tra đường huyết thường xuyên và đếm lượng carbohydrate. Đối với một số người mắc tiểu đường loại 1, ghép tụy hoặc ghép tế bào đảo tụy có thể là một lựa chọn.

Điều trị đái tháo đường type 2 chủ yếu bao gồm thay đổi lối sống, theo dõi đường huyết, kết hợp với thuốc uống điều trị tiểu đường, insulin hoặc cả hai.

Điều trị tiền đái tháo đường thường liên quan đến việc lựa chọn lối sống lành mạnh. Những thói quen này có thể giúp đưa mức đường huyết của bạn trở lại bình thường hoặc ngăn nó tăng lên. Duy trì cân nặng hợp lý thông qua tập thể dục và ăn uống lành mạnh có thể giúp ích. Tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần và giảm khoảng 7% trọng lượng cơ thể có thể ngăn ngừa hoặc trì hoãn tiểu đường loại 2. Thuốc — chẳng hạn như metformin, statin và thuốc điều trị huyết áp cao — có thể là lựa chọn cho một số người mắc tiền đái tháo đường và các bệnh lý khác như bệnh tim.

Biến chứng

Các biến chứng lâu dài của bệnh phát triển dần dần. Thời gian bệnh nhân mắc bệnh càng lâu và mức đường trong máu càng ít kiểm soát thì nguy cơ biến chứng càng cao. Các biến chứng có thể bao gồm:

  • Bệnh tim và mạch máu (bệnh tim mạch): Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc nhiều vấn đề về tim. Bao gồm bệnh mạch vành với đau ngực (đau thắt ngực), nhồi máu cơ tim, đột quỵ và hẹp động mạch (xơ vữa động mạch). Nếu mắc đái tháo đường, bệnh nhân có nhiều khả năng bị bệnh tim hoặc đột quỵ.
  • Tổn thương thần kinh do tiểu đường (bệnh thần kinh tiểu đường): Quá nhiều đường có thể làm tổn thương các thành mạch máu nhỏ (mao mạch) nuôi dưỡng các dây thần kinh, đặc biệt là ở chân. Điều này có thể gây ra cảm giác ngứa, tê, nóng hoặc đau, thường bắt đầu từ đầu ngón chân hoặc ngón tay và dần lan lên.
  • Tổn thương dây thần kinh liên quan đến tiêu hóa: Có thể gây ra các vấn đề như buồn nôn, nôn, tiêu chảy hoặc táo bón. Ở nam giới, nó có thể dẫn đến rối loạn cương dương.
  • Tổn thương thận do tiểu đường (bệnh thận đái tháo đường): Thận chứa hàng triệu cụm mạch máu nhỏ (cầu thận) để lọc chất thải từ máu. Bệnh tiểu đường có thể làm hỏng hệ thống lọc tinh vi này.
  • Tổn thương mắt (bệnh võng mạc đái tháo đường): Bệnh tiểu đường có thể làm hỏng các mạch máu của mắt, dẫn đến mù lòa.
  • Tổn thương chân: Tổn thương thần kinh ở chân hoặc lưu lượng máu kém đến chân làm tăng nguy cơ mắc nhiều biến chứng ở chân.
  • Các vấn đề về da và miệng: Bệnh tiểu đường có thể khiến bệnh nhân dễ mắc các vấn đề về da, bao gồm nhiễm khuẩn và nấm.

Tìm hiểu thêm: Biến chứng đái tháo đường

Phòng khám Nội tiết

Phòng khám Nội tiết tại Bệnh viện Đức Khang là địa chỉ tin cậy hàng đầu trong việc chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân mắc các bệnh lý về nội tiết. Với sự phát triển không ngừng của y học, việc phát hiện sớm và điều trị các bệnh nội tiết như đái tháo đường, rối loạn tuyến giáp, tuyến yên, hay các rối loạn hormone trở nên vô cùng quan trọng.

Bệnh viện có sự đồng hành của BS CKI Nguyễn Thu Hương là bác sĩ chuyên khoa Nội tiết với nhiều năm kinh nghiệm trong nghề. BS Thu Hương tốt nghiệp bác sĩ y khoa tại trường Đại học Y Dược TP.HCM và sau đó tiếp tục hoàn thành chương trình Chuyên khoa I về ngành Nội tiết. BS Thu Hương đã có trên 20 năm công tác tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương – bệnh viện hạng 1 tại TP.HCM. BS Thu Hương là chuyên gia trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh lý đái tháo đường, các bệnh về tuyến giáp, rối loạn chuyển hóa và các vấn đề liên quan đến hormone. Với tấm lòng tận tụy, bác sĩ luôn đặt lợi ích của bệnh nhân lên hàng đầu, tư vấn các phương pháp điều trị hiệu quả và phù hợp nhất cho từng người bệnh.

Quay lại
Chia sẻ: