Nếu đang điều trị loãng xương, có lẽ bạn sẽ thắc mắc về liệu pháp điều trị của mình. Loại thuốc loãng xương bạn đang dùng có phải là tốt nhất cho bạn không? Bạn sẽ phải dùng nó trong bao lâu? Tại sao bác sĩ khuyên bạn nên dùng thuốc hàng tuần trong khi người khác chỉ dùng thuốc mỗi tháng một lần?
thuốc loãng xương nào là lựa chọn đầu tiên?
Các thuốc thuộc nhóm Bisphosphonates thường là lựa chọn đầu tiên để điều trị bệnh loãng xương:
- Zoledronic Acid (Aclasta) – Thuốc truyền đường tĩnh mạch (IV) mỗi năm một lần.
- Alendronate (Fosamax) – Thuốc dạng viên uống mỗi tuần một lần.
- Risedronate (Actonel) – Thuốc dạng viên uống mỗi tuần hoặc mỗi tháng một lần.
- Ibandronate (Boniva) – Thuốc uống mỗi tháng một lần, hoặc truyền tĩnh mạch hằng quý.
Một loại thuốc điều trị bệnh loãng xương phổ biến khác là denosumab (Prolia, Xgeva). Thuốc này được sử dụng ở những người không thể dùng bisphosphonate, chẳng hạn như người bị suy giảm chức năng thận. Denosumab được tiêm dưới da 6 tháng một lần, dùng thuốc liên tục cho đến khi bác sĩ chỉ định sang loại thuốc khác. Nghiên cứu cho thấy bệnh nhân có nguy cơ cao bị gãy xương cột sống sau khi ngừng dùng thuốc denosumab.
Tại bệnh viện Đức Khang, loại thuốc thường được dùng để điều trị bệnh loãng xương là zoledronic acid (Aclasta), thuộc nhóm biphosphonates, làm giảm tốc độ tiêu hủy xương và giúp quá trình tái tạo xương mới diễn ra một cách cân bằng hơn. Ưu điểm của thuốc Aclasta:
- Hiệu quả cao – Làm giảm tỉ lệ gãy xương bất kỳ lên đến 35%, đồng thời làm tăng đáng kể mật độ chất khoáng ở xương đùi và cổ xương đùi.
- Tiện lợi – Chỉ cần truyền thuốc mỗi năm 1 lần, rút ngắn thời gian dành ra để điều trị, phù hợp với người bân rộn.
- An toàn – Không gây khó chịu ở dạ dày như các thuốc viên cùng nhóm.
Tìm hiểu thêm về Gói truyền thuốc Aclasta
Tác Dụng Phụ Của thuốc
Dạng viên uống
Tác dụng phụ thường gặp nhất của thuốc bisphosphonate dạng viên là gây khó chịu ở dạ dày và ợ chua. Vì vậy, bệnh nhân được khuyến cáo là không nên nằm hoặc cúi người xuống trong vòng 30 – 60 phút sau khi uống thuốc để tránh thuốc trôi ngược lại vào thực quản. Thuốc bisphosphonate không được dạ dày hấp thụ tốt, nên bệnh nhân phải uống thuốc với nhiều nước khi bụng đói, và không nên ăn uống trong vòng 30 – 60 phút sau khi uống thuốc.
Dạng truyền tĩnh mạch
Thuốc bisphosphonates truyền tĩnh mạch, chẳng hạn như acid zoledronic (Aclasta) và ibandronate, không gây khó chịu cho dạ dày. Tần suất sử dụng của thuốc truyền cũng ít hơn thuốc viên. Bisphosphonates truyền tĩnh mạch có tác dụng phụ là gây cúm nhẹ, nhưng thường chỉ xuất hiện ở lần truyền đầu tiên.
Thuốc trị loãng xương có gây tổn thương xương không?
Một biến chứng rất hiếm gặp của bisphosphonates và denosumab là làm gãy hoặc nứt ở giữa xương đùi. Chấn thương này, được gọi là gãy xương đùi không điển hình, gây đau ở đùi hoặc háng. Bisphosphonates và denosumab cũng có thể gây hoại tử xương hàm, một tình trạng hiếm gặp diễn ra khi một phần xương hàm chậm lành hoặc không lành. Một tình huống điển hình là sau khi nhổ răng hoặc thực hiện các thủ thuật nha khoa xâm lấn khác. Điều này xảy ra phổ biến hơn ở những người mắc bệnh ung thư liên quan đến xương vì họ dùng liều bisphosphonate cao hơn nhiều so với liều thường dùng cho bệnh loãng xương.
điều trị bệnh loãng xương bằng thuốc hormone
Trong vài trường hợp, estrogen kết hợp với progestin cũng được sử dụng để điều trị bệnh loãng xương. Tuy nhiên, phương pháp này có thể làm tăng nguy cơ đông máu, ung thư nội mạc tử cung, ung thư vú và bệnh tim. Phương pháp này thường dành cho phụ nữ có nguy cơ gãy xương cao và không thể dùng các loại thuốc điều trị loãng xương khác.
Raloxifene (Evista) bắt chước tác dụng có lợi của estrogen đối với mật độ xương ở phụ nữ sau mãn kinh mà không gây các rủi ro liên quan đến estrogen. Dùng thuốc này có thể làm giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư vú. Nóng bừng là một tác dụng phụ phổ biến. Raloxifene cũng có thể làm tăng nguy cơ đông máu.
Cơ chế hoạt động của Thuốc loãng xương
Trong suốt cuộc đời, xương liên tục được tiêu hủy và tái tạo lại. Khi cơ thể già đi – đặc biệt là phụ nữ sau mãn kinh – tốc độ xương bị tiêu hủy nhanh hơn tốc độ xương hình thành, nên xương bị thoái hóa và yếu đi.
Một số thuốc trị loãng xương hoạt động bằng cách làm giảm tốc độ gãy xương, một số thuốc khác lại giúp đẩy nhanh quá trình tạo xương. Hai cơ chế này đều giúp xương chắc khỏe và giảm nguy cơ gãy xương.
Những loại thuốc giúp đẩy nhanh quá trình tạo xương bao gồm:
- Teriparatide (Forteo)
- Abaloparatide (Tymlos)
- Romosozumab (Evenity)
Những thuốc này thường dành cho người có mật độ xương rất thấp, người bị gãy xương hoặc bị loãng xương do dùng thuốc steroid.
Teriparatide và abaloparatide cần được tiêm hàng ngày, nhưng không được sử dụng ở những người có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư xương.
Thuốc romosozumab được tiêm hàng tháng. Đây là một loại thuốc mới, nhưng nó không được dùng cho những người gần đây bị đột quỵ hoặc đau tim. Điều trị dừng lại sau lộ trình 12 tháng.
Những loại thuốc tạo xương này chỉ có thể được sử dụng trong 1 – 2 năm và tác dụng sẽ nhanh chóng mất đi sau khi ngừng thuốc.
Liệu pháp thay thế
Không nên dựa hoàn toàn vào thuốc như là phương pháp điều trị duy nhất cho bệnh loãng xương. Những phương pháp sau đây cũng rất hữu ích:
- Thể dục – Hoạt động thể chất chịu trọng lượng và các bài tập cải thiện sự cân bằng và tư thế có thể giúp xương chắc khỏe và giảm nguy cơ gãy xương. Càng lớn tuổi, nếu bạn càng năng động và khỏe mạnh thì nguy cơ té ngã và gãy xương càng ít.
- Dinh dưỡng tốt – Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh và đảm bảo rằng bạn đang nhận đủ canxi và vitamin D.
- Từ bỏ hút thuốc – Hút thuốc lá làm tăng tốc độ mất xương.
- Hạn chế uống rượu – Nếu bạn chọn uống rượu, hãy uống có chừng mực. Đối với phụ nữ khỏe mạnh, tối đa một ly mỗi ngày. Đối với đàn ông khỏe mạnh, có thể lên tới hai ly mỗi ngày.



Nguồn tham khảo
- Osteoporosis. Mayo Clinic – https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/osteoporosis/symptoms-causes/syc-20351968
- Osteoporosis Treatment. Mayo Clinic – https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/osteoporosis/in-depth/osteoporosis-treatment/art-20046869