Bệnh loãng xương - cách điều trị và phòng ngừa

Bệnh loãng xương – yếu tố nguy cơ, cách điều trị và phòng ngừa

Tổng Quan 

Loãng xương là tình trạng rối loạn chuyển hoá ở xương, làm xương trở nên yếu và giòn – dễ gãy đến mức một cú ngã hoặc thậm chí những tác động nhẹ như cúi người xuống cũng có thể gây gãy xương. Các điểm gãy thường xảy ra nhiều nhất ở hông, cổ tay và cột sống.

Xương là mô sống liên tục được tiêu hủy và thay thế bằng các tế bào xương mới. Tình trạng loãng xương xảy ra khi quá trình tạo xương mới không theo kịp lượng xương cũ mất đi. Bệnh này thường gặp ở người lớn tuổi, đặc biệt là phụ nữ sau mãn kinh. Theo Tổ chức Loãng xương Quốc tế (International Osteoporosis Foundation), trên toàn thế giới, cứ 3 phụ nữ trên 50 tuổi thì có 1 người bị gãy xương do loãng xương. Nhưng không chỉ riêng phụ nữ, cứ 5 người đàn ông trên 50 tuổi thì có 1 người cũng gặp phải vấn đề tương tự.

Sử dụng thuốc, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa bệnh loãng xương.

Triệu Chứng

Thường không có triệu chứng trong giai đoạn đầu của bệnh loãng xương. Nhưng một khi xương đã bắt đầu yếu đi, người bệnh có thể gặp các dấu hiệu và triệu chứng sau:

  • Đau lưng do xương bị gãy hoặc xẹp ở cột sống
  • Giảm chiều cao theo thời gian
  • Lưng khòm
  • Xương dễ gãy
Bệnh loãng xương – yếu tố nguy cơ, cách điều trị và phòng ngừa

Nguyên Nhân

Xương của chúng ta luôn trong tình trạng thay đổi – xương mới được tạo ra và xương cũ bị tiêu hủy. Khi còn trẻ, cơ thể tạo ra xương mới nhanh hơn tốc độ tiêu hủy của xương cũ, vì vậy khối lượng xương được tăng lên. Sau những năm đầu của tuổi 20, quá trình này chậm lại và hầu hết mọi người đạt khối lượng xương tối đa ở tuổi 30. Khi con người già đi, khối lượng xương bị mất đi nhanh hơn tốc độ xương mới được tạo ra.

Khả năng mắc bệnh loãng xương còn phụ thuộc một phần vào khối lượng xương đã đạt được khi còn trẻ. Khối lượng xương đạt được càng cao thì càng có nhiều xương trong cơ thể, vì vậy ít có nguy cơ mắc bệnh loãng xương khi về già.

Phân loại loãng xương

  • Loãng xương ở người lớn tuổi
  • Loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh
  • Loãng xương thứ phát: do có yếu tố nguy cơ (liệt kê ở mục tiếp theo)

Yếu tố nguy cơ

A. Những yếu tố không thể thay đổi
  • Giới tính – Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh loãng xương nhiều hơn nam giới, đặc biệt là phụ nữ sau mãn kinh do sự suy giảm hormone estrogen.
  • Tuổi tác – Ở người lớn tuổi, quá trình tạo xương giảm, còn quá trình huỷ xương lại tăng.
  • Tiền sử gia đình – Có người nhà bị loãng xương hoặc gãy xương.
  • Kém phát triển thể chất khi còn nhỏ – Người có vóc dáng nhỏ (còi xương, suy dinh dưỡng…) có nguy cơ cao, vì họ có ít khối lượng xương để sử dụng hơn khi về già.
B. Những yếu tố có thể thay đổi

Mức độ hormone

Bệnh loãng xương thường gặp ở người có quá nhiều hoặc quá ít một số hóc-môn:

  • Hormone giới tính – Sự sụt giảm nồng độ estrogen ở phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh là một trong những yếu tố nguy cơ lớn nhất gây ra bệnh loãng xương. Các phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt làm giảm nồng độ testosterone ở nam giới và các phương pháp điều trị ung thư vú làm giảm nồng độ estrogen ở phụ nữ cũng có khả năng làm tăng tốc độ mất xương.
  • Vấn đề về tuyến giáp – Quá nhiều hormone tuyến giáp có thể gây mất xương. Điều này có thể xảy ra nếu tuyến giáp hoạt động quá mức hoặc nếu dùng quá nhiều thuốc nội tiết tố tuyến giáp để điều trị.
  • Các tuyến khác – Loãng xương cũng có liên quan đến tuyến cận giáp và tuyến thượng thận hoạt động quá mức.

Steroid và các loại thuốc khác

Việc sử dụng lâu dài các loại thuốc chứa corticosteroid dạng uống hoặc tiêm (prednisone, cortisone…) cản trở quá trình tái tạo xương. Loãng xương cũng liên quan đến các thuốc dùng để điều trị động kinh, trào ngược dạ dày, ung thư, hoặc thuốc chống thải ghép.

Bệnh lý nền

Nguy cơ loãng xương sẽ cao hơn ở người có các bệnh lý sau:

  • Bệnh celiac rối loạn tiêu hóa
  • Viêm đường ruột
  • Bệnh thận hoặc gan
  • Ung thư
  • Đa u tủy
  • Viêm khớp dạng thấp
phong cách sống

Những thói quen xấu tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương bao gồm: ít vận động, tiêu thụ rượu quá mức, hút thuốc lá.

Biến Chứng

Gãy xương, đặc biệt là ở cột sống hoặc hông, là biến chứng nghiêm trọng nhất từ bệnh loãng xương. Gãy xương hông thường do ngã và có thể dẫn đến tàn tật hoặc thậm chí tăng nguy cơ tử vong trong năm đầu tiên sau chấn thương.

Trong một số trường hợp, gãy xương cột sống có thể xảy ra ngay cả khi bạn không bị ngã. Xương tạo nên cột sống, được gọi là đốt sống, có thể yếu đi đến mức xẹp xuống, dẫn đến đau lưng, giảm chiều cao và khom người.

Bệnh loãng xương – yếu tố nguy cơ, cách điều trị và phòng ngừa

Chẩn Đoán

Đo mật độ khoáng chất của xương (Bone Mineral Density, BMD) bằng máy đo hấp phụ tia X năng lượng kép (DXA), thường đo tại cột sống thắt lưng hoặc hông. Khuyến cáo cho các đối tượng:

  • Phụ nữ trên 65 tuổi
  • Phụ nữ dưới 65 tuổi nếu có yếu tố nguy cơ
  • Người ở mọi độ tuổi bị gãy xương do loãng xương
  • Người có mật độ xương giảm hoặc xẹp đốt sống không triệu chứng phát hiện tình cờ bằng chẩn đoán hình ảnh

Loãng xương được xác định dựa trên mật độ chất khoáng của xương (Bone Mineral Density – BMD) theo chỉ số T-Score:

  • Xương bình thường: T-score ≥ – 1
  • Thiếu xương (Osteopenia):  -1  >  T-score  >  -2,5
  • Loãng xương (Osteoporosis): T-score ≤  -2,5
  • Loãng xương được xếp loại nặng khi T-score ≤  -2,5 ,và bệnh nhân có tiền sử hoặc hiện tại có một hay nhiều vị trí gãy xương

Điều Trị Loãng Xương

Phương pháp điều trị thường dựa trên ước tính nguy cơ gãy xương của bệnh nhân trong 10 năm tới, bằng cách kiểm tra mật độ xương. Nếu nguy cơ không cao, điều trị có thể không bao gồm dùng thuốc, thay vào đó có thể tập trung vào việc điều chỉnh các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi và phòng ngừa té ngã.

Bisphosphonates

Đối với cả nam giới và phụ nữ có nguy cơ gãy xương cao, loại thuốc điều trị loãng xương phố biến nhất là thuốc thuộc nhóm bisphosphonates, bao gồm:

  • Alendronate (Binosto, Fosamax)
  • Risedronate (Actonel, Atelvia)
  • Ibandronate
  • Zoledronic acid (Reclast, Zometa, Aclasta)

Tác dụng phụ của nhóm thuốc này bao gồm buồn nôn, đau bụng và các triệu chứng giống ợ nóng. Dạng bisphosphonates tiêm tĩnh mạch không gây khó chịu cho dạ dày nhưng có thể gây sốt, nhức đầu và đau cơ. Một biến chứng rất hiếm gặp của bisphosphonates là làm gãy hoặc nứt ở giữa xương đùi. Biến chứng hiếm gặp thứ hai là hoại tử xương hàm.

Denosumab

So với bisphosphonates, thuốc denosumab (Prolia, Xgeva) cho hiệu quả điều trị tương tự hoặc tốt hơn, giúp làm giảm nguy cơ gãy xương. Denosumab được tiêm dưới da sáu tháng một lần. Denosumab cũng có cùng biến chứng hiếm gặp là gây gãy hoặc nứt ở giữa xương đùi, và làm hoại tử xương hàm. Nếu dùng denosumab, người bệnh có thể phải tiếp tục dùng thuốc này vô thời hạn.

Liệu pháp hóc-môn

Estrogen, đặc biệt là khi được sử dụng ngay sau thời kỳ mãn kinh, có thể giúp duy trì mật độ xương. Tuy nhiên, liệu pháp estrogen có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú và nguy cơ đông máu dẫn đến đột quỵ.

Raloxifene (Evista) có tác dụng hiệu quả giống với estrogen. Dùng thuốc này có thể làm giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư vú. Bốc hỏa là một tác dụng phụ có thể xảy ra. Raloxifene cũng có thể làm tăng nguy cơ đông máu.

Ở nam giới, loãng xương có thể liên quan đến sự suy giảm của testosterone theo tuổi tác. Các loại thuốc điều trị loãng xương đã được nghiên cứu ở nam giới, do đó được khuyên dùng riêng lẻ hoặc bổ sung cho testosterone.

Thuốc làm xương chắc khỏe

Nếu các phương pháp điều trị loãng xương thông thường không hiệu quả, bác sĩ có thể đề nghị sử dụng các thuốc làm xương chắc, khỏe:

  • Teriparatide (Bonsity, Forteo): là thuốc kích thích sự phát triển xương mới. Nó được tiêm dưới da hằng ngày trong vòng tối đa 2 năm.
  • Abaloparatide (Tymlos): là một thuốc khác tương tự như hormone tuyến cận giáp. Thuốc này chỉ có thể được dùng trong 2 năm.
  • Romosozumab: là loại thuốc mới nhất để điều trị chứng loãng xương. Nó được tiêm dưới dạng tiêm hằng tháng và được giới hạn trong 1 năm điều trị.

Phòng Ngừa Loãng Xương

Calcium

Đàn ông và phụ nữ trong độ tuổi từ 18 đến 50 cần 1.000 mg canxi mỗi ngày. Lượng hàng ngày này tăng lên 1.200 mg khi phụ nữ bước sang tuổi 50 và nam giới bước sang tuổi 70. Những nguồn canxi tốt bao gồm: sản phẩm sữa ít béo, các loại rau lá xanh đậm, cá hồi hoặc cá mòi đóng hộp có xương, thực phẩm chứa đậu nành như đậu phụ, ngũ cốc tăng cường canxi, nước cam…

Nếu cảm thấy khó có đủ canxi từ chế độ ăn uống, hãy cân nhắc việc dùng thuốc bổ sung canxi. Tuy nhiên, quá nhiều canxi có thể dẫn đến sỏi thận. Tổng lượng canxi từ các chất bổ sung và chế độ ăn uống kết hợp, không nên quá 2.000 miligam mỗi ngày đối với những người trên 50 tuổi.

Vitamin D

Vitamin D cải thiện khả năng hấp thụ canxi của cơ thể và cải thiện sức khỏe của xương. Mọi người có thể nhận được vitamin D từ ánh sáng mặt trời. Ngoài ra, nguồn vitamin D có trong chế độ ăn uống bao gồm dầu gan cá tuyết hoặc cá hồi, các loại sữa và ngũ cốc.

Mọi người cần ít nhất 600 IU vitamin D mỗi ngày, tăng lên 800 IU mỗi ngày sau 70 tuổi.

Tập thể dục

Tập thể dục thường xuyên có thể giúp bạn củng cố xương chắc khỏe và làm chậm quá trình mất xương. Tập thể dục sẽ có lợi cho xương bất kể bạn bắt đầu vào thời điểm nào, nhưng bạn sẽ thu được nhiều lợi ích nhất nếu bắt đầu tập thể dục thường xuyên khi còn trẻ và tiếp tục tập thể dục trong suốt quãng đời.

Hãy kết hợp các bài tập rèn luyện sức mạnh với các bài tập chịu trọng lượng và giữ thăng bằng. Rèn luyện sức mạnh giúp tăng cường cơ bắp và xương ở cánh tay và cột sống trên của bạn. Các bài tập chịu trọng lượng chẳng hạn như đi bộ, chạy bộ, chạy bộ, leo cầu thang, nhảy dây, trượt tuyết và các môn thể thao tác động mạnh – ảnh hưởng chủ yếu đến xương ở chân, hông và cột sống dưới của bạn. Các bài tập giữ thăng bằng như thái cực quyền có thể làm giảm nguy cơ té ngã, đặc biệt là khi già đi.

Phòng khám Chấn thương chỉnh hình

Với số lượng bệnh nhân đến thăm khám tại Phòng khám Chấn thương chỉnh hình ngày càng gia tăng, Bệnh viện Đức Khang liên tục phát triển, quy tụ đội ngũ bác sĩ chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình giỏi, có nhiều năm công tác tại các bệnh viện công lập như Bệnh viện Chấn Thương Chỉnh Hình TP.HCM, bệnh viện Quân Y, bệnh viện Chợ Rẫy… cũng như cải thiện cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị thủ thuật, phẫu thuật hiện đại phục vụ cho công tác khám, chẩn đoán và điều trị.

Bệnh lý điều trị:
  • Gãy xương, trật khớp chi trên, chi dưới, xương chậu
  • Đứt dây chằng khớp gối (đứt dây chằng chéo trước, đứt dây chằng chéo sau)
  • Các bệnh lý viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, viêm do vảy nến, bệnh gout, bệnh xương khớp ở người cao tuổi
  • Phẫu thuật nội soi khớp, thay khớp (phẫu thuật nội soi khớp vai, khớp gối và thay khớp gối, khớp háng…).
  • Điều trị bệnh lý về cột sống: đau lưng, thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, gai xương, loãng xương, căng cơ dây chằng, vẹo cột sống, đau thần kinh tọa…
  • Bệnh lý về tay và cổ tay: hội chứng ống cổ tay, ngón tay lò xo, bong gân, thoái hóa khớp, viêm bao gân hoạt dịch DeQuervain, u bàn tay, cổ tay…
  • Phẫu thuật nội soi các chấn thương do hoạt động thể thao: rách sụn chêm khớp gối, đứt dây chằng.
  • Điều trị tổn thương phần mềm do vết bỏng, vết thương.
  • Rút/ tháo dụng cụ
  • Nắn xương, bó bột
  • Chăm sóc vết thương sau phẫu thuật chấn thương chính hỉnh
Đặt hẹn khám

 Điền thông tin vào phiếu đặt hẹn TẠI ĐÂY

 Gọi vào Hotline Bệnh Viện 0903.056.132

 Trực tiếp đến đăng ký khám tại Bệnh viện Đức Khang

500 Ngô Gia Tự, P9, Q5, TP. HCM (cổng số 1)

129A Nguyễn Chí Thanh, P9, Q5, TP. HCM (cổng số 2)

Quay lại
Chia sẻ: