Nội soi đại tràng là gì?
Nội soi đại tràng là phương pháp chẩn đoán hình ảnh mà bác sĩ sử dụng một ống mềm đưa vào đại tràng nhằm phát hiện những bất thường trên bề mặt niêm mạc đại tràng. Ống soi có gắn một camera ở đầu để chụp ảnh, quay phim, cung cấp hình ảnh về bên trong toàn bộ đường ruột của bệnh nhân.
Khi nào cần nội soi đại tràng?
Nội soi đại tràng là tiêu chuẩn vàng trong tầm soát ung thư đại tràng. Tùy thuộc vào độ tuổi và các yếu tố nguy cơ, bác sĩ có thể khuyến khích bệnh nhân thực hiện nội soi để tầm soát ung thư đại tràng. Hiện nay các hướng dẫn của tổ chức y tế Hoa Kỳ khuyến nghị nội soi đại tràng 10 năm một lần cho những người từ 50 tuổi trở lên và có nguy cơ ung thư ruột trung bình. Tuy nhiên, đối với người có nguy cơ cao chẳng hạn như tiền sử gia đình bị ung thư ruột, bác sĩ có thể đề nghị tầm soát sớm và thường xuyên hơn, bắt đầu từ tuổi 45.
Nội soi đại tràng cũng thường được định khi người bệnh có các triệu chứng như: đau bụng, táo bón lâu ngày, tiêu phân lẫn máu, tiêu chảy kéo dài…
Nội soi đại tràng có đau không?
Nội soi thường không gây đau đớn. Trong quá trình nội soi, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân dùng thuốc an thần trong kết hợp với thuốc giảm đau được tiêm tĩnh mạch.
Bệnh nhân sẽ được nằm nghiêng với đầu gối co lên để bác sĩ đưa ống soi vào đại tràng.
Bên cạnh camera, ống soi còn có đèn và ống thổi phồng ruột kết bằng không khí, carbon dioxide hoặc thậm chí là nước vô trùng, giúp bác sĩ có cái nhìn rõ hơn về niêm mạc đại tràng. Trong quá trình này, bạn có thể cảm thấy chuột rút hoặc cảm thấy cần phải đi tiêu. Bác sĩ cũng có thể đưa dụng cụ chuyên dụng qua ống để loại bỏ polyp hoặc lấy mẫu mô sinh thiết.
Những thủ thuật có thể thực hiện trong quá trình nội soi
- Trong quá trình nội soi, nếu phát hiện thấy tổn thương bất thường trên niêm mạc đại tràng như viêm hay khối u, bác sĩ sẽ tiến hành lấy mẫu sinh thiết để để phân tích và chẩn đoán bệnh chính xác hơn.
- Đối với trường hợp nội soi đại tràng vì chảy máu tiêu hóa dưới, bác sĩ nội soi sẽ tìm vị trí chảy máu và tiến hành cầm máu bằng đốt điện hay kẹp cầm máu bằng clip.
- Cắt polyp: polyp đại – trực tràng là những tổn thương ở niêm mạc nhô ở lòng đại – trực tràng. Polyp có thể có nhiều kích thước khác nhau từ vài mmđến vài cm, thường lành tính nhưng cũng có thể diễn tiến thành ung thư nếu không được loại bỏ sớm. Cắt polyp là phương pháp hiệu quả để giảm tỷ lệ mắc ung thư đại – trực tràng. Bác sĩ sẽ đưa dụng cụ chuyên dụng vào ống nội soi và cắt bỏ polyp. Thủ thuật này hoàn toàn không gây đau đớn cho bệnh nhân.
Sau khi thực hiện nội soi
Nội soi đại tràng kéo dài khoảng 30 – 60 phút. Bệnh nhân sẽ được đưa đến phòng phục hồi để nằm nghỉ sau khi nội soi cho đến khi thuốc an thần hết tác dụng. Bệnh nhân không nên tự lái xe về nhà.
Khi về nhà, bệnh nhân có thể gặp một số triệu chứng như đau bụng, chướng hơi… Các dấu hiệu này là bình thường và sẽ biến mất rất nhanh.
Nếu bác sĩ có loại bỏ polyp trong quá trình nội soi, bệnh nhân có thể được khuyến cáo tạm dùng một chế độ ăn uống đặc biệt tạm thời.
Các bước cần làm để chuẩn bị nội soi đại tràng
- Ít nhất một tuần trước khi nội soi đại tràng, bệnh nhân nên thông báo với bác sĩ về các loại thuốc mà mình đang sử dụng. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bệnh nhân dùng thuốc làm loãng máu hoặc mắc các bệnh như huyết áp cao, bệnh tim hoặc tiểu đường, hoặc dùng thuốc hoặc chất bổ sung có chứa sắt. Để đảm bảo hình ảnh tốt nhất có thể khi nội soi, bác sĩ có thể điều chỉnh liều lượng hoặc chỉ định bệnh nhân tạm thời ngừng thuốc.
- Vài ngày trước khi nội soi đại tràng, bệnh nhân nên lưu ý tránh ăn những thức ăn có nhiều chất xơ và rau.
- Buổi tối trước ngày nội soi, bệnh nhân nên ăn nhẹ (cháo, soup…) ít nhất 2 giờ truốc khi uống thuốc làm sạch ruột. Bệnh nhân không được ăn uống gì sau khi sử dụng thuốc làm sạch ruột.
- Buổi tối trước ngày nội soi, bệnh nhân phải uống thuốc làm sạch ruột vào khung giờ từ 7 giờ đến 9 giờ tối. Để dễ uống thuốc, bệnh nhân nên để thuốc lạnh trước khi dùng.
Nếu dùng thuốc Fortran: pha 3 gói Fortrans với 3L nước, uống mỗi lần một ly khoảng 200ml, cứ mỗi 10 – 15 phút uống một lần cho đến khi uống hết 3L thuốc.
Nếu dùng thuốc Fleet Phosphat Soda: vào 7h chiều trước ngày nội soi, uống 1 chai 45ml và uống thêm 1L nước. Sáng hôm sau lúc 6h sáng, uống thêm 1 chai 45ml và 1L nước nữa. Bệnh nhân có thể pha loãng chai thuốc Fleet Phosphat Soda này với nước trái cây hoặc nước lọc để dễ uống (1 chai fleet pha thành 250 ml nước).
- Khi được sự cho phép của bác sĩ, bệnh nhân có thể uống thuốc điều trị hằng ngày của mình với một lượng nước nhỏ vào buổi sáng ngày làm nội soi.
- Mỗi bệnh nhân đáp ứng với thuốc làm sạch ruột một cách khác nhau. Thông thường, bệnh nhân sẽ đi tiêu phân lỏng từ 10 đến 15 lần.
- Nếu phải làm nội soi sau 12 giờ trưa, bệnh nhân có thể ăn hoặc uống chất lỏng 6 tiếng trước khi làm nội soi, ví dụ như nước soda, nước lọc, nước hầm gà hoặc bò, nước táo, nước nho…
Phòng khám Tiêu hóa
Phòng khám Tiêu hóa tại Bệnh viện Đức Khang là nơi thăm khám, chẩn đoán, nội soi tiêu hóa, và điều trị hiệu quả các bệnh lý tất cả bệnh lý về đường tiêu hóa. Bác sĩ chuyên khoa nhiệt tình tư vấn, giải thích bệnh tình, và đưa ra phương hướng điều trị hiệu quả nhất cho người bệnh.
Đặt hẹn với Phòng khám Tiêu hóa:
Điền thông tin vào phiếu đặt hẹn TẠI ĐÂY
Gọi vào Hotline Bệnh Viện 0903.056.132
Trực tiếp đến đăng ký khám tại Bệnh viện Đức Khang
500 Ngô Gia Tự, P9, Q5, TP. HCM (cổng số 1)
129A Nguyễn Chí Thanh, P9, Q5, TP. HCM (cổng số 2)
Đội ngũ bác sĩ
BS CKII Trịnh Thanh Mai
BS Nguyễn Thị Cẩm Tú
BS Lâm Trung Kiên
Trang thiết bị
- Hệ thống nội soi tiêu hóa – Pentax, Nhật Bản: Máy nội soi tiêu hóa hiện đại cho hình ảnh rõ nét với chức năng nội soi dạ dày, tá tràng, đại tràng.
- Máy siêu âm màu LOGIQ P9 – GE, Mỹ: là máy siêu âm Doppler màu đa năng chất lượng cao, sử dụng công nghệ tiên tiến mang đến chất lượng hình ảnh vượt trội.
- Máy gây mê kèm thở cao cấp Atlan – Draegerweck, Đức: thiết bị gây mê với tính an toàn hạng nhất ở mỗi phòng mổ.
- Máy thở cao cấp Savina – Draegerweck, Đức: là dòng máy thở chức năng cao kèm chức năng thở oxy dòng cao.
- Máy montior 8 thông số Vista – Draegerweck, Đức: theo dõi bệnh nhân với 8 thông số sinh tồn cần thiết.
Nguồn tham khảo
- Mayo Foundation for Medical Education and Research. (2020, April 18). Colonoscopy. Mayo Clinic. Retrieved March 18, 2022, from https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/colonoscopy/about/pac-20393569