Bản tin thông tin thuốc năm 2022 - Bệnh viện Đức Khang

Bản tin thông tin thuốc năm 2022

ĐIỂM TIN CẢNH GIÁC DƯỢC

Tổn thương thận cấp và clindamycin dạng viên nang, dạng tiêm

Khả năng gây độc trên thận của Clindamycin khi sử dụng đường uống và tiêm được bổ sung vào Tờ thông tin sản phẩm lưu hành tại Úc. Các thuốc chứa Clindamycin thường được bán trên thị trường với tên thương mại là Dalacin C dạng tiêm và Dalacin C dạng viên nang, cũng như các thuốc generic khác. Tờ thông tin sản phẩm của Dalacin dạng tiêm và dạng viên nang đã được cập nhật bao gồm các thông tin sau:

  • Cảnh báo và thận trọng khi dùng thuốc: Clindamycin có khả năng gây độc thận. Tổn thương thận cấp bao gồm suy thận cấp.
  • Tác dụng không mong muốn: các rối loạn chức năng thận và đường tiết niệu đã được ghi nhận: Tổn thương thận cấp (không rõ tần suất)

Hiệu quả của liều tăng cường vắc xin COVID-19 cùng loại hoặc khác loại 

Tiêm mũi tăng cường cùng loại làm hiệu giá kháng thể trung hòa tăng từ 4 đến 20 lần, trong khi tiêm mũi tăng cường kết hợp các loại làm tăng hiệu giá kháng thể trung hòa từ 6 đến 73 lần. Đáp ứng tế bào T đặc hiệu gia tăng ở tất cả các nhóm, trừ nhóm tiêm tăng cường cùng loại vắc xin Ad26.COV2.S. Lượng tế bào T CD8+ ổn định hơn ở nhóm được tiêm mũi cơ bản vắc xin Ad26.COV2.S, và tiêm tăng cường kết hợp vắc xin Ad26.COV2.S làm tăng đáng kể lượng tế bào T CD8+ đặc hiệu gai ở nhóm được tiêm mũi cơ bản vắc xin mRNA.

Như vậy, tiêm mũi tăng cường vắc xin COVID-19 cùng loại và kết hợp các loại đều có hồ sơ an toàn chấp nhận được và có khả năng tạo miễn dịch ở người trưởng thành đã hoàn thành tiêm chủng COVID-19 ít nhất 12 tuần.

Không có mối lo ngại về an toàn khi sử dụng Metformin trên phụ nữ có thai

Hướng dẫn điều trị của Anh khuyến cáo sử dụng Metformin điều trị đái tháo đường trong thời gian mang thai và đái tháo đường thai kỳ. Nghiên cứu khảo sát các tác dụng tức thời và lâu dài đối với con của phụ nữ mắc đái tháo đường typ 2, đái tháo đường thai kỳ hoặc hội chứng buồng trứng đa nang khi sản phụ sử dụng Metformin. Kết quả cho thấy không có mối lo ngại về an toàn khi sử dụng Metformin trong thai kỳ đối với sản phụ và con của họ.

Cập nhật khuyến cáo:

  • Một số thuốc phối hợp Metformin có chứa các hoạt chất khác cần tránh sử dụng trong thai kỳ.
  • Khuyến cáo phụ nữ mắc đái tháo đường đang có thai hoặc có thể có thai đến gặp bác sĩ để được tư vấn, trong trường hợp liệu pháp điều trị cần thay đổi hoặc theo dõi đường huyết.
  • Phụ nữ mắc đái tháo đường typ 1 cần tiếp tục sử dụng insulin trong thai kỳ.

Tăng nguy cơ biến cố tim mạch khi phối hợp Hydroxycloroquin, cloroquin với kháng sinh macrolid; nhắc lại về phản ứng trên thần kinh 

Thận trọng đánh giá lợi ích và nguy cơ trước khi kê đơn azithromycin hoặc các kháng sinh macrolid dùng toàn thân (erythromycin hoặc clarithromycin) cho bệnh nhân đang điều trị hydroxycloroquin hoặc cloroquin. Một nghiên cứu quan sát trên bệnh nhân viêm khớp dạng thấp đã chỉ ra việc phối hợp azithromycin với hydroxycloroquin có liên quan đến sự tăng nguy cơ biến cố tim mạch (đánh trống ngực, ngất xỉu, đau ngực hoặc khó thở không rõ nguyên nhân) và tỷ lệ tử vong do tim mạch. Một số bệnh nhân đã có triệu chứng tâm thần khi bắt đầu điều trị bằng hydroxycloroquin hoặc cloroquin.

Các cảnh báo:

  • Trên tim mạch: có thể kéo dài khoảng QT, đặc biệt khi quá liều hoặc phối hợp với thuốc có khả năng gây loạn nhịp tim.
  • Phản ứng trên thần kinh: sức khỏe tâm thần sa sút (suy nghĩ phi lý trí, lo lắng, hoang tưởng, cảm thấy bối rối hoặc chán nản, có ý nghĩ tự làm đau bản thân hoặc tự sát).

Nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ lần đầu khi sử dụng thuốc chống nôn kháng dopaminergic 

Nghiên cứu bệnh chứng được thực hiện nhằm đánh giá nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ liên quan đến sử dụng thuốc chống nôn kháng dopaminergic (antidopaminergic antiemetic-ADA). Dữ liệu nghiên cứu được trích từ cơ sở dữ liệu hệ thống chi phí chăm sóc sức khỏe toàn quốc của Pháp (SNDS). Tiêu chí chính của nghiên cứu là mối liên quan giữa sử dụng thuốc ADA với nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ được đánh giá bằng cách ước tính OR phơi nhiễm của bệnh nhân đột quỵ và nhóm chứng. Phân tích được điều chỉnh để loại các yếu tố nhiễu theo thời gian (sử dụng thuốc chống đông, thuốc chống kết tập tiểu cầu, thuốc đông máu hoặc co mạch).

Nghiên cứu này chỉ ra nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ tăng có liên quan đến sử dụng thuốc ADA. Nguy cơ tăng cao nhất khi dùng metopimazin hoặc metoclopramid.

ANSM: nguy cơ độc tính trên tim khi lạm dụng trimebutin đường tiêm (Debridat và Trimebutin Medisol)

Sử dụng trimebutin đường tiêm với chỉ định ngoài nhãn đáng quan ngại do độc tính trên tim của thuốc. Đã có một trường hợp nghiêm trọng bị ngừng hô hấp và tuần hoàn, bệnh nhân 66 tuổi được tiêm nhiều mũi vào catheter tĩnh mạch trung tâm, liều cao triprebutin maleat (100 mg, 3 lần/ngày) để điều trị tắc ruột sau phẫu thuật ung thư biểu mô tuyến. Mục đích sử dụng trên không còn trong chỉ định của thuốc từ năm 2017, do không có nghiên cứu lâm sàng nào cung cấp bằng chứng hiệu quả của trimebutin trong điều trị liệt ruột.

Trimebutin đường tiêm được sử dụng để giảm đau, điều trị rối loạn vận động và khó chịu đường ruột do rối loạn chức năng ruột, dùng thay thế đường uống. Liều dùng của trimebutin là 1 ống (50mg/5ml) tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch trong giai đoạn rối loạn đường ruột cấp tính.

Nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu, thuyên tắc phổi và xuất huyết hậu COVID-19

Nhằm đánh giá nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu, thuyên tắc phổi và xuất huyết hậu COVID-19, một nghiên cứu đã được thực hiện dựa trên dữ liệu quốc gia của Thụy Điển. Nghiên cứu lựa chọn 1 057 174 người dương tính với SARS-CoV-2 từ 01/02/2020 – 25/05/2021 tại Thụy Điển, được ghép cặp với nhóm chứng gồm 4 076 342 người theo tuổi, giới tính và nơi cư trú.

Kết quả, tỷ lệ mới mắc của nhóm bệnh cao hơn đáng kể sau 70 ngày hậu COVID-19 đối với biến cố huyết khối tĩnh mạch sâu, 110 ngày đối với biến cố thuyên tắc phổi và 60 ngày đối với biến cố xuất huyết. Những kết quả này giúp định hướng chiến lược chẩn đoán và dự phòng huyết khối tĩnh mạch hậu COVID-19.

Vị trí của đồng vận GLP-1 qua những hướng dẫn điều trị đái tháo đường típ 2 hiện hành

Việc điều trị đái tháo đường trong những năm gần đây hướng đến không chỉ kiểm soát mức đường huyết mà phải có chiến lược chăm sóc toàn diện và cá thể hóa. Điều này nhằm mục đích vừa giảm nguy cơ hạ đường huyết, tăng cân vừa giảm các biến cố tim mạch – thận cho người bệnh. Giữa các nhóm thuốc điều trị đái tháo đường, nhóm đồng vận thụ thể GLP-1 ngày càng chứng tỏ ưu điểm qua các bằng chứng lâm sàng, đặc biệt trên những bệnh nhân có nguy cơ bệnh tim mạch cao.

Cập nhật sử dụng thuốc trên bệnh nhân đái tháo đường tuyp 2 có kèm biến chứng thận

Tại Việt Nam, bệnh thận do đái tháo đường không chỉ là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy thận giai đoạn cuối, đồng thời còn làm tăng nguy cơ gặp biến cố tim mạch khác. Vì vậy, quản lý biến chứng thận ở bệnh nhân đái tháo đường là một phần quan trọng trong công tác điều trị.

Thận trọng khi sử dụng rosuvastatin trên bệnh nhân suy giảm chức năng thận

Nghiên cứu AURORA (2005), KDIGO 2013 khuyến cáo Rosuvastatin dùng với liều thấp 10mg nếu bệnh nhân có kèm bệnh thận mạn. Tuy nhiên, đối với các liều cho tác dụng ức chế tổng hợp cholesterol mạnh (20 – 40mg), nghiên cứu PLANET-1 (2015) cho thấy Rosuvastatin 40 mg/ngày liên quan với mức giảm có ý nghĩa độ lọc cầu thận (eGFR) khoảng 8 mL/phút/1,73m2 mỗi năm cùng với sự tăng nguy cơ suy thận cấp trên những bệnh nhân đái tháo đường.

Một số biệt dược Crestor, pms-Rosuvastatin, Rosuvastatin-Savi,… nhà sản xuất khuyến cáo chống chỉ định sử dụng trong trường hợp bệnh nhân có ClCr < 30ml/phút (với ≤ liều 20mg) và ClCr < 60ml/phút (với ≤ liều 40mg).

Nếu không có chống chỉ định nhãn thuốc (ví dụ: ROTINVAST 10) liều tối đa Rosvastatin theo khuyến cáo là 10mg kèm theo dõi chức năng gan, thận và các phản ứng có hại của thuốc chặt chẽ nếu bệnh nhân có suy thận. Tuy nhiên, nên ưu tiên lựa chọn các statin thải trừ qua thận ít như Atorvastatin để giảm thiểu tác dụng phụ do ảnh hưởng chức năng thận.

Độc tính nghiêm trọng của colchicin – Lưu ý sử dụng thuốc đúng cách

Colchicin được chỉ định trong điều trị cơn gút cấp, dự phòng cơn gút cấp ở bệnh nhân gút mạn tính, bệnh nhân bị lắng đọng calci hoặc lắng đọng hydroxyapatit ở khớp, điều trị sốt Địa trung hải có tính chất gia đình, bệnh Behcet, và viêm màng tim vô căn. Tuy nhiên, Colchicin  là thuốc có khoảng điều trị hẹp, do vậy có nguy cơ cao xảy ra quá liều, biểu hiện ban đầu là rối loạn tiêu hoá (tiêu chảy, buồn nôn, nôn). Ngộ độc colchicin liều cao có thể gây  suy đa tạng dẫn đến tử vong (do tổn thương hệ hô hấp, tim mạch, thần kinh, huyết học).

Một số lưu ý:

  • Tuân thủ chế độ liều được khuyến cáo
  • Giảm liều trên bệnh nhân lớn tuổi (đặc biệt trên 75 tuổi), bệnh nhân suy giảm chức năng gan, thận, có nguy cơ suy giảm chức năng thận (mất nước, sử dụng thuốc đồng thời), và theo dõi sát những bệnh nhân này.
  • Tuân thủ các chống chỉ định: bệnh nhân suy giảm chức năng thận, gan nghiêm trọng
  • Kiểm tra nguy cơ tương tác thuốc.
  • Không phối hợp colchicin cùng với pristinamycin hoặc các kháng sinh macrolid (ngoại trừ spiramycin)

Colchicin: dữ liệu mới trên tim mạch

Colchicin là một thuốc ức chế metaphase có đặc tính kháng khuẩn và chống viêm và mới được sử dụng trong viêm màng ngoài tim. Các tác giả của Viện Tim mạch Montreal, Hoa Kỳ đã thử nghiệm liều thấp colchicine (0,5 mg / ngày) trong nhồi máu cơ tim.

Hơn 4.700 bệnh nhân có nhồi máu cơ tim trong vòng 30 ngày được đưa vào thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, mù đôi so sánh colchicin liều thấp với giả dược. và kết quả là những bệnh nhân mới bị nhồi máu cơ tim sử dụng colchicin liều thấp có nguy cơ gặp biến cố tim mạch do thiếu máu cục bộ thấp hơn so với giả dược (NEJM 2019, 381.2497). Tuy nhiên thử nghiệm cần được kiểm chứng bởi một nghiên cứu tiếp theo trong tương lai.

Cảnh báo tránh sử dụng thuốc kháng histamin thế hệ 1 cho trẻ nhỏ điều trị ho, cảm lạnh và cúm

TGA nhắc lại cho cán bộ y tế và bệnh nhân việc không nên sử dụng thuốc kháng histamin thế hệ 1, bao gồm cả những loại thuốc không kê đơn (OTC) để điều trị các triệu chứng ho, cảm lạnh và cúm ở trẻ em dưới 6 tuổi. Thuốc kháng histamin thế hệ 1 cũng không nên sử dụng cho trẻ dưới 2 tuổi với tất cả các chỉ định.

Cảnh báo về sai sót dẫn đến tử vong khi truyền quá liều N-acetylcystein

Một bệnh nhân nhập viện khi bị ngộ độc paracetamol và được truyền tĩnh mạch N-acetylcystein. Quy trình gồm truyền liều nạp sau đó truyền liều duy trì từ cùng một túi dịch truyền với tốc độ chậm hơn. Tuy nhiên liều duy trì đã được tiếp tục truyền cùng tốc độ với liều nạp. Bệnh nhân có biểu hiện buồn nôn, nôn và co giật, sau đó đã tử vong.

ISMP Canada đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong do quá liều N-acetylcystein. Cả hai đều liên quan đến bệnh nhân dưới 18 tuổi, có quy trình tiêm truyền tương tự nhau, đều sai sót khi đặt tốc độ bơm tiêm truyền và đều dẫn đến tử vong.

CẬP NHẬT THÔNG TIN THUỐC MỚI

LIVALO Tablet 2mg (Pitavastatin)

Thành phần hoạt chất: Pitavastatin

Nhóm dược lý trị liệu: Thuốc ức chế HMG-CoA reductase

Cơ chế tác dụng:

Pitavastatin ức chế cạnh tranh HMG-CoA reductase và ức chế sinh tổng hợp cholesterol ở gan. Kết quả làm tăng sự biểu hiện của thụ thể lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) ở gan, thúc đẩy sự hấp thu LDL trong máu, giảm nồng độ lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL-C) trong máu và cholesterol toàn phần trong máu. Sự ức chế tổng hợp cholesterol ở gan được duy trì làm giảm sự tiết lipoprotein tỷ trọng rất thấp (VLDL) vào máu và giảm nồng độ triglycerid (TG) trong huyết tương.

Chỉ định điều trị:

– Tăng lipid máu nguyên phát.

– Rối loạn lipid máu hỗn hợp.

Liều lượng:

– Người lớn: Khởi đầu 2mg/ngày, có thể tăng lên liều tối đa 4mg/ngày.

– Trẻ em trên 10 tuổi: 1mg/ngày, có thể tăng lên liều tối đa 2mg/ngày.

– Người cao tuổi: không cần chỉnh liều.

– Bệnh nhân suy thận trung bình (độ lọc cầu thận 30-59 ml/phút/1.73m2) và nặng (độ lọc cầu thận 15-29 ml/phút/1.73m2), bệnh thận giai đoạn cuối đang thẩm phân máu: Liều khởi đầu 1mg/ngày, liều tối đa 2mg/ngày.

– Bệnh nhân suy giảm chức năng gan: chống chỉ định.

Tác dụng không mong muốn của nhóm statin:

– Rối loạn giấc ngủ, bao gồm cả cơn ác mộng.

– Suy giảm nhận thức.

– Rối loạn chức năng tình dục.

– Trầm cảm.

– Bệnh đái tháo đường: Tần suất phụ thuộc vào có hoặc không có các yếu tố nguy cơ (glucose huyết lúc đói ≥ 5.6mml/l, chỉ số cơ thể BMI > 30kg/m2, tăng TG, tiền sử tăng huyết áp)

– Tăng đường huyết.

– Tăng HbA1c.

ĐIỀU KIỆN BẢO QUẢN THUỐC TIÊM, THUỐC TIÊM TRUYỀN 

Xem thông tin tại đây

TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Trung tâm DI & ARD Quốc gia (http://canhgiacduoc.org.vn/CanhGiacDuoc/DiemTinCGD.aspx)
  2. Dược thư quốc gia 2018.
  3. Tờ hướng dẫn sử dụng các thuốc.
  4. Bộ y tế – Cục an toàn thực phẩm, Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân suy thận phải lọc máu. (https://vfa.gov.vn/dinh-duong-hop-ly/che-do-dinh-duong-cho-benh-nhan-suy-than-phai-loc-mau.html)
Quay lại
Chia sẻ:

Bài Viết Liên Quan